Có nên để người chuyển giới "ngoài vùng phủ sóng"?

ANTĐ - “Trong thực tiễn đã có một số người đã ra nước ngoài chuyển đổi giới tính. Nếu Nhà nước không thừa nhận thì coi như họ đã ở 'ngoài vùng phủ sóng' . Như vậy, việc thực thi pháp luật của họ sẽ được thực hiện như thế nào?”

Đó là ý kiến thảo luận của Đại biểu Trần Ngọc Vinh (ĐBQH TP. Hải Phòng)  về các quy định liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính trong Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Cũng theo Đại biểu Trần Ngọc Vinh, nếu nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì các cơ quan khác không có quyền thay đổi hộ tịch và một số quyền khác. Còn nếu Nhà nước cho phép chuyển đổi giới tính thì vấn đề giống nòi, đạo đức xã hội…sẽ được bảo đảm ra sao? Tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, quy định này là không phù hợp, đề nghị tách thành 2 điều luật riêng biệt.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu
 

Về nội dung “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, Đại biểu Lưu Thị Huyền (ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu, quy định này trái với nguyên tắc Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hơn nữa, nếu chưa có điều luật nào quy định thì không có thước đo, cơ sở pháp lý nào để xác định phán quyết của Tòa án đúng hay sai? Quy định này gây khó khăn cho Tòa án và cả người dân vì họ phải mất thời gian đi lại nhiều mà có khi vụ việc không xử được.

Đại biểu Lưu Thị Huyền phát biểu

Về quy định hạn chế cách đặt tên, độ dài của tên, Đại biểu Khúc Thị Duyền (ĐBQH tỉnh Thái Bình) thống nhất với quy định như trong dự thảo vì cho rằng, đặt tên tuy là quyền của công dân nhưng phải tuân theo quy định chung. Thực tế có trường hợp đặt tên quá dài cơ quan hộ tịch vẫn phải đồng ý đăng ký, phải viết tắt, gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ cá nhân.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (ĐBQH TP. Hải Phòng) tiếp tục đóng góp ý kiến, đồng tình với quan điểm này, đồng thời cho rằng việc đặt tên phải bảo đảm không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đạo đức xã hội. Từ trước đến nay, các quy định đều nhất quán ngôn ngữ văn bản phải bằng tiếng Việt, vậy tại sao bây giờ chúng ta chấp nhận hòa tan, lai căng để đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc?