Chuyện về một nhà... "muỗi học"

(ANTĐ) - Dầm mình trong đầm lầy, “sống chung” với muỗi, rồi “xây nhà” cho muỗi, ròng rã hàng tháng trời ăn ở tại chốn rừng thiêng nước độc chỉ để cho muỗi đốt, rồi bị nhiễm bệnh sốt rét ác tính phá hủy hồng cầu… với một quyết tâm phải thực hiện thành công đề tài nghiên cứu về căn bệnh sốt rét.

Chuyện về một nhà... "muỗi học"

(ANTĐ) - Dầm mình trong đầm lầy, “sống chung” với muỗi, rồi “xây nhà” cho muỗi, ròng rã hàng tháng trời ăn ở tại chốn rừng thiêng nước độc chỉ để cho muỗi đốt, rồi bị nhiễm bệnh sốt rét ác tính phá hủy hồng cầu… với một quyết tâm phải thực hiện thành công đề tài nghiên cứu về căn bệnh sốt rét.

Đó là những nét phác họa đơn giản nhưng cô đọng nhất về Phó Giáo sư, nữ Tiến sỹ khoa học Ngô Giang Liên, Phó Chủ nhiệm Bộ môn tế bào Mô - Phôi và Lý sinh, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Người “xây nhà” cho… muỗi

“Anh, chị cho hỏi có biết PGS.TS Ngô Giang Liên không? - Trong trường cô giáo tên Liên có nhiều lắm. Anh hỏi cô Liên nào? - Cô Liên ở khoa Sinh… - à, cô Liên “sát” muỗi”…

Tại ngôi trường này, mọi thầy cô đến học trò ai cũng đùa rằng PGS.TS Ngô Giang Liên là người “sát” muỗi. Bởi lẽ, cô chính là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu đã chỉ đích danh “thủ phạm” gây ra căn bệnh sốt rét nguy hiểm.

Những ngày cuối tháng 5 nóng nực, chúng tôi ngồi chuyện trò với cô Liên trong căn phòng thí nghiệm hiện đại với đầy đủ máy móc công nghệ cao, khi cuộc sống bên kia cánh cửa giảng đường đại học vẫn đang hối hả tiếp diễn. ít ai có thể hình dung được một thời, cũng chính tại nơi đây, những khu nhà cấp 4 xập xệ, việc nghiên cứu khoa học còn là một công việc khá xa lạ với xã hội.

Trong những năm tháng ấy, một nữ cán bộ khoa học trẻ mới hoàn thành chương trình học kéo dài 6 năm ở Liên Xô về nước, cô gái gốc Hà Nội có tên Liên đã quyết tâm gắn đời mình với khoa học bằng niềm tin sâu sắc rằng lĩnh vực khoa học mình nghiên cứu sẽ giúp ích cho cộng đồng trong một tương lai gần.

Cô Liên nhớ lại: “Đó là những nằm đầu thập niên 90, khi đọc báo cáo dịch tễ về căn bệnh sốt rét, từng cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người dân Việt Nam, tôi bỗng nhiên cảm thấy có trách nhiệm của mình trong đó.

Với chuyên môn lý sinh sẵn có, tôi đã nảy ý định muốn tìm ra “con đường” phòng chống căn bệnh sốt rét hiệu quả nhất, thì phải xác định rõ vector truyền bệnh từ loài muỗi. Thời điểm đó, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu nơi tôi công tác thiếu thốn vô cùng.

Được các nhà dịch tễ học giới thiệu, tham gia cùng đoàn nghiên cứu sốt rét Trung ương, tôi đã quyết định khăn gói lên đường, vào sống cùng với đội phòng chống sốt rét ở khu rừng Khánh Phú, tỉnh Khánh Hòa để lấy mẫu nghiên cứu.

Đây là một khu rừng nhiệt đới điển hình của Việt Nam có tiếng là “rừng thiêng nước độc”, là nơi tập trung nhiều loài muỗi sinh sống và cũng là khu vực có tỷ lệ bệnh nhân sốt rét là người dân tộc cao nhất cả nước.

Vào tới nơi, với mục đích thu thập các mẫu loài nhưng kết quả lại không thể mang chúng về Hà Nội được, tôi đã phải tự xây dựng cho mình một phòng thí nghiệm tự nhiên ngay tại chỗ.

Phòng thí nghiệm của tôi đơn sơ tới mức, những chiếc bát ăn cũ dùng để chứa nước mưa hoặc nước suối rừng được “huy động” để sử dụng là “nhà” cho muỗi.

Loài muỗi kể cũng lạ, đốt người xong thường trú vào những nơi rất mát. Phòng thí nghiệm nuôi muỗi lúc nào cũng phải giữ ở nhiệt độ chuẩn là từ 18-22 độ. Thay vì phòng có mái che, để giữ nhiệt độ luôn ẩm và mát, tôi đã đặt những “căn nhà” của muỗi dưới tán cây cổ thụ.

Để tranh thủ tối đa thời gian ở thực địa, ngày nào cũng vậy, tôi chọn thời điểm thích hợp là ban tối và cho muỗi đốt vào chính cơ thể mình rồi bắt chúng và nuôi tại môi trường thiên nhiên.

Sau đó tôi lập các tiêu bản theo phương pháp nghiên cứu kiểu nhân. Phân tích nhiễm sắc thể trên cơ sở phân loại loài, tập tính của chúng, đốt vào thời gian nào để đề xuất phương pháp phòng chống”.

Sự hy sinh sau những thành công

PGS.TS Ngô Giang Liên những ngày ấy đã sống như thế hàng tháng trời ròng rã chỉ để cho muỗi đốt. “Sống chung” với muỗi, quyết tâm của cô là phải thực hiện thành công đề tài nghiên cứu về căn bệnh sốt rét.

Chấp nhận mọi sinh hoạt thiếu thốn, một mình xa nhà, bản thân cô đã không còn cảm giác đau, ngứa vì bị muỗi đốt quá nhiều. 3 tháng ròng rã tiếp theo, cô Liên đã thực sự như một người lính “đặc công” xả thân tìm cách ngăn chặn sự tàn phá của loài muỗi gây nên bệnh sốt rét nguy hiểm với con người.

Để rồi đúng những ngày giáp Tết năm 1992, cô Liên với lỉnh kỉnh các mẫu thí nghiệm và 6 hộp tiêu bản rời cánh rừng Khánh Phú trở về Hà Nội sau một thời gian dài biền biệt.

Không quá lâu để nếm trải sự hy sinh của mình, đúng một tháng sau đó, mầm bệnh sốt rét từng âm ỉ trong người cô suốt thời gian ở rừng bắt đầu phát. Cô Liên bị sốt rét ác tính với liên miên những cơn sốt nóng giật tung người, rét run bần bật hành hạ.

Sau đợt ốm này, cô kể: “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể lấy lại nước da trắng hồng mà tôi thừa hưởng từ mẹ. Tôi đã bị “xấu” đi rất nhiều vì môi thâm, da bị tái vì căn bệnh sốt rét phá hủy hồng cầu”.

Và cũng trong khoảng thời gian “xây nhà” cho… muỗi tại rừng Khánh Phú này, thật tình cờ, một đoàn công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đi qua đã bắt gặp một nữ giảng viên ĐH của Việt Nam đang dầm mình ở đầm lầy. Hỏi ra mới biết người con gái Việt Nam tên Liên ấy đang… nghiên cứu.

Cảm động trước sự cố gắng phi thường của cô giáo Liên, WHO đã giới thiệu cô với Hội đồng Anh (British Council) giúp cô tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu ở môi trường thí nghiệm hiện đại để sau đó, cô và các cộng sự Việt Nam đã tìm ra được vector truyền bệnh ở loài muỗi.

Nhờ có kết quả nghiên cứu này, những năm gần đây, ngành dịch tễ học Việt Nam đã đạt những hiệu quả tích cực trong việc phòng chống căn bệnh sốt rét.

Website của Hội đồng Anh đánh giá: “Khiêm tốn, người phụ nữ với ảnh hưởng cá nhân của mình lại không bao giờ thừa nhận những thành quả trong việc ngăn chặn bệnh sốt rét ở Việt Nam.

Nhưng khi bạn nghe kể rằng từ năm 1994, số người chết bởi bệnh sốt rét giảm dần nhanh chóng, bạn nhận ra rằng cô ấy đã góp phần vô cùng quan trọng cho những thành công này qua việc diệt trừ và xóa bỏ căn bệnh sốt rét…”.

Năm 1997, cô Liên đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm di truyền của loài Anopheles.dirus và An.minimus gây bệnh sốt rét ở Việt Nam”.

Từ kết quả nghiên cứu này, các nhà dịch tễ học Việt Nam đã có đủ cơ sở khoa học để xác định chính xác đặc điểm sinh học của loài muỗi truyền bệnh sốt rét ở người và đưa ra những biện pháp dự phòng thích hợp.

Một đời vì khoa học

Cuộc đời cũng như tên tuổi của PGS.TS Ngô Giang Liên đã bay đến nhiều nơi - trong nước cũng như nước ngoài trên cương vị “nhà muỗi học”. Nhưng trên tất cả, cô là một nhà khoa học đam mê nghề nghiệp, khát khao tìm tòi, nghiên cứu và khám phá. Từ niềm đam mê cá nhân ấy đến những dự thảo đề án, chương trình khoa học mà cô tham gia đều vì cộng đồng.

Thế nhưng nói về công việc của mình, cô Liên lại hết sức khiêm tốn, cô cho rằng: “Đó là những gì thuộc chuyên ngành mà mình đã được đào tạo và mình yêu thích, say mê, đồng thời cũng là trách nhiệm của mình, thì mình làm - chỉ đơn giản thế thôi”.

Đến nay, tuy vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học, cô Liên luôn cảm thấy ấm áp, thanh thản và hạnh phúc khi đứng trên bục giảng để truyền đạt niềm đam mê lẫn tri thức của mình cho các thế hệ sau.

 “Mỗi người có một tình yêu” - PGS.TS Ngô Giang Liên tâm sự - Và đến hôm nay, hành trang của cô, người bạn đồng hành thân thiết và thủy chung của cô vẫn thế: Những con muỗi và các kỹ thuật mới để phòng chống sốt rét, bệnh nhiệt đới.

Đơn giản là vậy, tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại nói lên bao điều về những con người, về cuộc sống. Cuộc đời của một nhà khoa học, một nhà giáo cũng như thế: giản dị, trầm mặc nhưng hàm chứa biết bao bí ẩn về tri thức của loài người…

Là Phó TTK Hội hình thái học Việt Nam, Hội viên hội những người giảng dạy Sinh học Việt Nam, thành viên Tổ chức International Sociaty of Infectious Diseases…

Bên cạnh đó lại nhận được sự ủng hộ của WHO, Viện Y học nhiệt đới Liverpool, London, 2 Giáo sư đầu ngành Julian Crampton, Harold Townson, nguyên Giám đốc Hội đồng Anh Kirton Murrield…; cô Liên vẫn miệt mài nghiên cứu những đam mê khoa học, đều đặn lên lớp hàng tuần, tìm hiểu những đề tài nghiên cứu mới và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc.

Bên cạnh các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, các giải thưởng khoa học, giải thưởng vì sự nghiệp giáo dục, một phần thưởng giá trị khác đối với cuộc đời cô chính là mái ấm gia đình hạnh phúc cùng người chồng - người đồng nghiệp cùng các con.

Đây không chỉ là tổ ấm để cô đi về mà còn là nơi tiếp thêm một nguồn sức mạnh lớn lao để cô luôn vững bước trên con đường đã chọn - con đường có nhiều trở ngại, chông gai nhưng cũng nhiều  niềm vui và hạnh phúc.

Bước ra khỏi căn phòng làm việc của PGS.TS Ngô Giang Liên, phía bên ngoài đợi sẵn là những sinh viên cô hướng dẫn luận án Thạc sỹ, tôi bỗng có cảm giác ấm lòng.

Tương lai của đất nước trong thời đại mới sẽ là của những thế hệ trẻ thông minh, năng động ấy - những thế hệ đang hiện thực hóa và tiếp nối những khát vọng cao đẹp của lớp người đi trước như PGS.TS Ngô Giang Liên.

Nhưng giờ đây, họ được làm việc trong những môi trường tốt hơn, có thể cống hiến được nhiều hơn cho đất nước và từ những nền tảng cơ bản họ được trang bị ấy, những thành tựu sẽ nhiều hơn, cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện để chúng ta có thể tự tin soải những bước dài ra biển rộng.

Quân Trần