Chuyện người tù biết mỉm cưới vì hạnh phúc

ANTĐ - 200 cây số, 4 tiếng đi xe ô tô, gặp nhau qua ô cửa kính chừng 20 - 30 phút rồi mẹ con bồng bế nhau về, nhưng suốt quãng thời gian hắn thụ án vừa qua, chưa một lần Hiền - vợ hắn “lỗi hẹn”.

Tháng nào cũng vậy, hễ đến ngày chủ nhật cuối cùng của tháng, niềm hạnh phúc bình dị song ý nghĩa đối với Nguyễn Ngọc Tuấn lại ùa về. Đó là khi cán bộ quản giáo tới buồng thông báo vợ và con Tuấn lên thăm. Người vợ dáng người nhỏ, mảnh dẻ dắt theo cô con gái kháu khỉnh, nhanh nhẹn với đủ thứ lỉnh kỉnh như xà phòng, lọ muối vừng, chai dầu gội đầu... trở thành hình ảnh quen thuộc đối với các cán bộ quản lý bộ phận thăm gặp. Bất kể mưa hay nắng, dù tàu xe ách tắc thế nào, chưa một lần vợ Tuấn lỗi hẹn với chồng về ngày gặp gỡ. Vượt quãng đường 200 cây số lặn lội thăm gặp chồng chưa bao giờ khiến vợ Tuấn nản lòng, điều ấy càng khiến trái tim gã đàn ông mang án giết người này mềm nhũn, thương cảm và tự trách bản thân nhiều hơn.

Đấu thú vì ước mong của vợ

Tuấn kể, Tuấn và Hiền - vợ mình quen nhau từ khi Hiền mới là cô thiếu nữ đang tuổi lớn. Gặp gỡ, yêu và quen biết chừng 2 năm thì đi tới hôn nhân. Năm ấy Tuấn 21, còn Hiền 18. Vợ chồng trẻ là vậy, nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng vì xốc nổi, bồng bột của tuổi trẻ mà cãi vã hay xích mích nửa lời. Lúc nào họ cũng quấn quýt như đôi sam. Vợ mở cửa hàng buôn bán nhò, chồng lái xe khách, xe tải bình dị, êm đềm bên nhau. Thêm cô con gái kháu khỉnh, bụ bẫm, hạnh phúc vợ chồng Tuấn càng thêm đầy đặn. Nhưng, cái ngày đen tối năm 2009 hôm ấy đã xoay chuyển toàn bộ cuộc đời Tuấn sang một hướng khác. Vì cãi vã, xô xát bởi chuyện quan hệ tủn mủn, Tuấn và người bạn đã ra tay tước đoạt cuộc sống của một người đàn ông khác. Tuấn bị kết án 12 năm tù giam. Khi ấy con gái Tuần mới được 2 tuổi rưỡi, ngơ ngác trên đôi tay mẹ rong ruổi khắp các phiên toa xử mà bố là bị cáo.

Nguyễn Ngọc Tuấn buồn bã hồi tưởng lại: “Ngay sau khi gây án, tôi tột cùng sợ hãi. Tôi đã lên xe bỏ trốn ra Móng Cái và vất vưởng ở đó một tuần, mà với tôi một tuần ấy dài lê thê và nặng nề nhất trong đời. Hình ảnh vợ trẻ, con thờ đè nặng trong tâm trí. Tôi nhớ vợ, nhớ con vô cùng cảm thấy có lỗi với họ. Cưới cô ấy về nhà, chưa làm được gì nhiều cho vợ thì tôi đã gây nên hoạ lớn. Ở Móng Cái, tôi nhớ vợ và có gọi điện về cho cô ấy. Tôi nghẹn giọng không nói được điều gì, cô ấỵ đoán được tôi, khóc lóc cầu khẩn tôi trở về. Lời vợ nói tôi vẫn nhớ như in: “Anh gây nên tội thì phải đối diện để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Để em và con còn có cơ hội được gặp anh. Còn anh chạy trốn như thế, sớm muộn cũng sẽ sa lưới và hơn hết, không được gặp em, gặp con và bố mẹ, có khác nào anh không còn trên cõi đời này nữa”.

Tôi đã trở về và ra đầu thú trước cơ quan Pháp luật nhờ những lời động viên chân thành, đau đáu của cô ấy. Toa án nhân dân xử vụ của tôi rất nhiều lần. Tính ra, tôi tham dự các phiên xử có khi tới 14,15 lần, và lần nào vợ tôi, con tôi, bố mẹ và bạn bè đều tới dự. Họ ngồi sau lưng tôi, đáp trả ánh nhìn nháo nhác sợ hãi và tội lỗi của tôi bằng ánh nhìn yêu thương, đau khổ. Vợ tôi bình thường là người phụ nữ mau nước mắt, nhưng vào hoàn cảnh ấy, cô ấy thực sự cứng còi và mạnh mẽ. 14,15 lần gặp nhau ở toà, chúng tôi chỉ có thể nhìn nhau, động viên nhau bằng ánh mắt, tuyệt đối không kịp nhắn nhủ nhau bất cứ câu gì. Nhưng, tôi biết, chỉ khi đợi tôi bị các anh công an dẫn giải lên xe bít bùng trở về phòng giam cứu để tiếp tục khai thác thông tin, cô ấy mới cho phép mình khóc. Đó là những giọt nước mắt xót xa, lặng lẽ mà vợ tôi không bao giờ nói cho tôi biết hay để tôi nhìn thấy, bởi tất cả những gì cô ấy muốn truyền cho tôi là sự lạc quan, mạnh mẽ dù hoàn cảnh có bi đát tới mức nào”.

Cuối cùng, Toa án Nhân dân tuyên án Nguyễn Ngọc Tuấn 12 năm tù giam. Tuấn đã khóc. Lần đầu tiên những giọt nước mắt trong đời gã đàn ông trẻ tuổi rơi xuống. Tuấn khóc vì hạnh phúc. Tuấn quay xuống nhìn gia đình bị hại, nói lời cảm tạ và xin lỗi với gia đình họ. Họ tha thứ cho Tuấn, khiến mặc cảm và tội lỗi của hắn phần nào vơi nhẹ, tâm của hắn cũng thêm được một chút thanh thản. Tuấn thụ án tại trai giam Quảng Ninh, nơi cách nhà hắn gần 200 cây số, nhưng với Hiền, vợ hắn, lúc nào chị cũng nhỏ nhẹ: “Có xá gì 3,4 tiếng ngồi ô tô là vợ chồng con cái mình được đoàn tụ”.

Từ buổi phiên xét xử phiên phúc thẩm, hắn nhớ về một người đàn bà đứng nép mình bên cánh cửa phòng xét xử, tay bồng cô con gái hơn 2 tuổi, đôi mắt long lanh, ngân ngấn nước, nhìn hắn đầy tin tưởng, khích lệ, cho tới những ngày bước chân vào cánh cửa buồng giam, chưa một lần “lỗi hẹn” thăm nom chồng, Tuấn tin tưởng, có một hành trang, một hậu phương vững vàng, tin yêu luôn chờ đợi, thủy chung đón nhận hắn về sau những ngày chuộc lỗi.

Mong ngày về bên người vợ một lòng chờ đợi

Tất cả những tin tưởng của Tuấn đều có cơ sở, bởi lẽ có rất nhiều phạm nhân khi bước chân vào trong cánh cửa trại giam, không lâu sau đó họ đều nhận được những lá đơn ly hôn - thứ theo cách họ gọi là “bản án vô hình” của người vợ, người chồng của mình. Đó giống như một đòn đau giáng vào tâm khảm và khiến không ít người suy sụp một thời gian dài. Nguyễn Ngọc Tuấn may mắn hơn rất nhiều phạm nhân khác, bởi Tuấn vẫn nhận được sự quan tâm, yêu thương từ người vợ bé nhỏ của mình. Dù rằng, vợ của Tuấn là một người phụ nữ còn rất trẻ, xinh xắn lại đảm đang, tháo vát. Chị có hơn một sự lựa chọn cho tương lai của mình như thế tìm kiếm một chỗ dựa yên ổn có thể nương tựa, vỗ về thay bằng việc đằng đẵng chờ đợi một người chồng tù tội. Thế nhưng, đều đặn hàng tháng, chị lặn lội lên thăm chồng, lần nào cũng nắm tay chồng dặn dò đủ thứ trên đời đã xoa tan mối hoài nghi, sợ hãi về “bản án vô hình” giống như phần đông những phạm nhân khác.

Từ ngày Tuấn đi tù, Hiền trở thành một người phụ nữ khác hẳn. Trước đây, Hiền đúng như cái tên của chị, hiền lành, nhẹ nhàng, ít tuổi nên chưa giỏi lo toan. Nhưng kể từ ngày Tuấn đi cải tạo, Hiền hoạt bát, sắc sảo hơn hẳn. Chị ra tận Móng Cái nhập hàng quần áo về buôn bán kiếm thêm thu nhập, nuôi con thơ, phụng dưỡng bố mẹ chồng. 21 tuổi đối với một người phụ nữ vốn mong manh, yếu đuối còn quá trẻ để gánh trên vai trọng trách lớn của người đàn ông cáng đáng một gia đình, nhưng Hiền đã gánh vác rất trọn vẹn.

Ngày Tuấn gây nên tội, con gái Tuấn mới hơn 2 tuổi, bây giờ con gái hắn đã lên 8 tuổi, đang học lớp 3. Mỗi dịp con gái tham gia các hoạt động văn nghệ, văn hoá ở trường, Hiền đều ghi lại những khoảnh khắc ấy, và gửi lên cho chồng những tấm ảnh của con gái. “Em muốn anh cùng em chứng kiến con gái của chúng ta lớn khôn từng ngày”. Lời Hiền nói qua chiếc điện thoại phòng thăm thân, không biết do trời nồm kính nhèm nhẹp hơi nước, hay bởi điều gì, đôi mắt hắn cứ nhòe đi.

200 cây số, 4 tiếng đi xe ô tô, gặp nhau qua ô cửa kính chừng 20 - 30 phút rồi mẹ con bồng bế nhau về, nhưng suốt quãng thời gian hắn thụ án vừa qua, chưa một lần Hiền - vợ hắn – “lỗi hẹn”. Thương vợ đi lại vất vả, Tuấn bảo vợ ít tới thăm nom, chị cười hiền như nắng, tưởng ậm ừ nghe lời chồng, tháng sau lại thấy lò dò, lỉnh kỉnh tới.

Tôi hỏi Nguyễn Ngọc Tuấn: “Vợ anh có đẹp không? . Đôi mắt hắn mơ màng: “Với tôi cô ấy là người phụ nữ đẹp nhất thế gian”. Nếu nhìn vào đôi mắt Tuấn lúc ấy, chắc chắn ai cũng sẽ tin đó không phải là lời chót lưỡi đầu môi của cánh đàn ông quen thói nịnh đầm phụ nữ. Câu nói ấy thốt lên tự đáy lòng của một người đàn ông day dứt, ân hận không trọn đạo làm chồng và mang niềm biết ơn vợ sâu sắc.

Mong ước của Tuấn bình dị lắm, khi trở về, dù ngày ấy có lẽ còn khá xa xôi, Tuấn sẽ mở một cửa hàng ăn nhỏ, đúng “chuyên ngành” bếp Tuấn được phân công trong những ngày thụ án trong trại giam Quảng Ninh. Song giản dị, đoàn tụ bên vợ con và trả ơn người phụ nữ vị tha, bao dung, hết lòng thủy chung với người chồng từng lầm lạc là tất cả những gì hắn hướng tới về “ngày mai”.

“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”, tôi không phải một người hay chữ, nhưng bằng những gì trải nghiệm trong quãng thời gian qua, tôi hiểu ranh giới mỏng manh giữa thiện và ác. Bản thân tôi đang phải trả giá cho một cơn nóng giận, không thể làm chủ bản thân, phần con trỗi dậy lấn át phần người. Nhưng cũng trong lúc tưởng như cùng đường tuyệt vọng, tôi hiểu thế nào là giá trị của hạnh phúc thực sự. Lấy được cô ấy làm vợ là điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi biết ơn cô ấy, lời nói ấy tôi nói ra với tất cả những gì thành thực nhất của một người chồng phạm nhiều thiếu sót”. Cho tới khi kết thúc câu chuyện, đôi mắt Nguyễn Ngọc Tuấn vẫn chưa hết rưng rưng xúc động khi nhắc tới người vợ của mình”.