Chuyện khó tin có thật: Người chết vẫn bị “dựng dậy” để kêu gọi từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, một số đối tượng đã mạo danh những người chuyên làm từ thiện để kêu gọi đóng góp tiền ủng hộ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sau đó ôm tiền “lặn mất tăm” gây bức xúc trong dư luận.

Mạo danh từ thiện hòng trục lợi

Sự bùng nổ của mạng xã hội đã khiến việc quyên góp từ thiện, ủng hộ người bệnh trở nên vô cùng dễ dàng. Không ít người có tấm lòng hảo tâm khi đọc thông tin về các trường hợp, hoàn cảnh thương tâm trên mạng xã hội đã sẵn sàng bỏ tiền quyên góp mà không cần kiểm chứng.

Lợi dụng điều này, những kẻ lừa đảo đã giả mạo tài khoản mạng xã hội của những người đã làm từ thiện lâu năm, có uy tín, sử dụng hình ảnh của những cá nhân đó để kêu gọi từ thiện hòng trục lợi từ hoàn cảnh đáng thương của người bệnh.

Thực tế đã có không ít trường hợp bệnh nhân đã ra viện, thậm chí đã chết song những hình ảnh và thông tin cá nhân của họ vẫn xuất hiện trên mạng xã hội với mục đích kêu gọi từ thiện.

Có bệnh nhân khi đang điều trị tại các bệnh viện thì bất ngờ trở nên nổi tiếng do bỗng dưng được một người xa lạ đưa lên mạng kèm theo các thông tin được thêm thắt khá lâm ly bi đát “gia đình rất nghèo, vợ tai biến nằm liệt giường, có hai con còn rất nhỏ nên đang phải đối mặt với cảnh xuất viện về nhà…chờ chết do hết tiền điều trị”.

Dù thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, song chỉ sau một thời gian ngắn được đăng tải, nó đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, kèm theo đó là số tiền chuyển vào tài khoản của kẻ đăng tin lừa đảo ngày càng tăng.

Ca sỹ Thủy Tiên đã từng lên mạng xã hội cảnh báo về tình trạng giả danh cá nhân mình để kêu gọi từ thiện

Ca sỹ Thủy Tiên đã từng lên mạng xã hội cảnh báo về tình trạng giả danh cá nhân mình để kêu gọi từ thiện

Thậm chí có cá nhân còn cố tình tiếp cận, lợi dụng người có bệnh lý hiểm nghèo hoặc gia cảnh khó khăn để chụp hình, viết tin đăng trên các trang cá nhân kêu gọi quyên góp qua tài khoản.

Không chỉ bịa chuyện kiếm tiền, các đối tượng lừa đảo còn dùng thủ đoạn giả làm nhà hảo tâm, hoặc mạo danh nhân viên của bệnh viện để lừa đảo. Thậm chí chúng còn sử dụng lại các bài báo uy tín viết về các hoàn cảnh khó khăn để đăng lên mạng kêu gọi ủng hộ vào số tài khoản cá nhân để trục lợi.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phát hiện một trang fanpage giả mạo cả phòng công tác xã hội thường xuyên đăng hình ảnh về các em bé bị bệnh não úng thủy, nhiễm trùng não, xương thủy tinh... Đặc biệt có một trường hợp kêu gọi ủng hộ cho một bé để qua Singapore điều trị.

Phía sau các câu chuyện và hình ảnh xót thương ấy, các đối tượng này còn “đính kèm” nhiều số tài khoản ngân hàng khác nhau để nhận tiền ủng hộ.

Lừa đảo từ thiện có thể bị tù chung thân

Về tình trạng trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hiện tượng trục lợi từ thiện ngày càng trở nên phổ biến bởi lượng tiền mỗi người ủng hộ có thể không nhiều, nhưng nhiều người cộng lại sẽ là một con số lớn. Nếu không bị phát giác, những đối tượng này còn nhận được sự biết ơn, khen ngợi của nhiều người.

Những hành vi xấu xí đó không chỉ ảnh hưởng đến tên tuổi của người hoạt động xã hội mà còn gây mất niềm tin của xã hội về các tổ chức từ thiện chân chính. Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Hồng Vân, hành vi mạo danh người nổi tiếng kêu gọi từ thiện để trục lợi cá nhân nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 174, BLHS 2015 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp…thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, tùy theo số tiền chiếm đoạt mức truy cứu trách nhiệm hình sự là khác nhau. Nếu số tiền lên đến 500 triệu đồng thì đối tượng lừa đảo có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

“Để lòng tốt không bị sai chỗ, không bị mất niềm tin vào việc làm tốt, người làm từ thiện nên thận trọng xác minh thông tin cả người kêu gọi lẫn nhân vật cần được giúp đỡ, liên hệ với bên quyên góp để yêu cầu xác minh về thông tin người cần giúp.

Ngoài ra, để tránh bị sập bẫy lừa đảo, mỗi cá nhân cũng có thể quyên góp cho bệnh nhân bằng cách đóng tiền chuyển khoản vào số tài khoản của các bệnh viện nơi có bệnh nhân đó điều trị thay vì chuyển tiền vào một tài khoản không xác định” – Luật sư Hồng Vân đưa ra lời khuyên.