Con đường của ý chí (2)

Chuyện kể của các chứng nhân

ANTĐ - Trong suốt 14 năm ròng rã (1961-1975) cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc đưa 152.876 tấn vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh vào miền Nam. Cùng với đó, con đường Hồ Chí Minh trên biển đã đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đưa đón hơn 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội vào miền Nam và từ miền Nam ra Bắc, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Thanh An (giữa) nhân chứng sự kiện Vũng Rô


Kiên cường bám biển

Trung tá Hồ Đắc Thạnh - nguyên Thuyền trưởng tàu 41, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân nhớ lại những ngày lịch sử: “Vận chuyển vũ khí vào chiến trường Khu V là một công việc vô cùng phức tạp, khó khăn, mặc dù cung đường so với Nam bộ có ngắn hơn, song việc đặt bến đón nhận hàng không thuận lợi.

Vùng biển Khu V không có nhiều kênh rạch và cây rừng phủ kín như Nam Bộ. Đã từng có 2 chuyến tàu chở hàng từ miền Bắc vào, một chuyến không thành công, một chuyến thành công không trọn vẹn. Và trước nhu cầu bức thiết của Khu V, Bộ Quốc Phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương tìm cách chi viện cho chiến trường này. Và tàu 41 là chiếc tàu đầu tiên được chọn vận chuyển vũ khí vào bến Khu V do Hồ Đắc Thạnh làm Thuyền trưởng, Trần Hoàng Chiều làm Chính trị viên, cùng 19 cán bộ thủy thủ đã rời bến Bãi Cháy vào đêm 14-11-1964.

Để qua mắt được những lực lượng tuẫn tiễu của địch, cán bộ, thủy thủ trên tàu đã nghĩ ra “trăm phương ngàn kế”. 5h sáng ngày 27-11, phát hiện có tàu lạ, một máy bay của địch bay rà soát quanh tàu nhiều lần, anh em trên tàu bèn treo cờ 3 que, đồng thời mang rượu mực ra mời chào anh em “xuống nhậu cho vui”. Theo được một thời gian, chiếc máy bay kia chán, bỏ đi. Tiếp đến tàu 41 còn gặp phải 2 tàu tuần tra trên biển, áp mạn. Pháo trên tàu địch đều mở bạt che, hướng về phía tàu của ta sẵn sàng nhả đạn. Tàu của ta cũng ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sau 2 giờ quan sát, tàu địch cho là tàu đánh cá liền bỏ đi.

Dù đã 50 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về những ngày tháng lênh đênh trên biển của con tàu không số huyền thoại vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí nguời lính già Nguyễn Xuân Thơm (15/7A Đoàn Nhữ Hài, P12, Q4, TP.HCM. Năm 1962, khi tàu Phương Đông chở chuyến hàng đầu tiên cập bến Vàm Lũng Cà Mau, ông theo tàu xuôi ra Bắc đi học. Ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông thuộc biên chế tàu 43. Ông tham gia vận chuyển tới 16 chuyến hàng, trong đó có 12 chuyến thành công. Ông kể rằng, lúc được phân công vào biên chế của tàu 43, ông luôn mong sao hoàn thành nhiệm vụ, dù có phải hy sinh cả tính mạng mình. Ngày đó, trước khi lên đường, các thành viên của “Đoàn tàu không số” đều phải làm lễ truy điệu trước nhưng không một ai nản lòng. Những con tàu không số không chọn lúc sóng yên biển lặng để lên đường mà chỉ nhằm vào những ngày thời tiết xấu. Không chỉ có óc sáng tạo tuyệt vời, khả năng ứng phó với mọi biến cố, những chiến sĩ của đoàn tàu không số khi xưa quyết bám biển, kiên cường bảo vệ hàng hóa, tài sản, tàu và cả tính mạng của anh em thủy thủ.

Ông Lê Đình Lừng - đường Dân Chủ, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn cũng là một trong những người bám biển hết sức gan lỳ. Ông tham gia cả thảy 10 chuyến tàu, thuộc biên chế tàu 642, trong đó, 7 chuyến thành công. Chuyến đi đặc biệt nhất vào ngày 15-10-1964, với 60 tấn hàng hóa được đưa lên bờ, trong đó có 4 quả thủy lôi kịp đưa vào chiến đấu đánh chìm tàu địch. Chuyến đi ấy được tuyên dương, đồng chí thuyền trưởng và chính trị viên lên báo cáo trung ương, được Bác Hồ gửi thuốc lá về chia cho anh em mỗi người một điếu. Suốt cả 7 chuyến tàu thành công, có những lúc cái chết kề trong gang tấc, có những lúc tàu địch áp sát tàu của ta tưởng như có thể nhảy sang được, nhưng chính sự mưu trí dũng cảm, khả năng ứng phó thông minh linh hoạt, với cách “thay hình đổi dạng” tinh vi đến không ngờ lúc là tàu cá, lúc hóa trang thành tàu buôn của Thái Lan, Malaysia.... đã qua mắt được cả một hệ thống tàu tuần tra máy bay ken dày của địch.

Sự kiện Vũng Rô

Thủy thủ Nguyễn Thanh An (Hải Anh - Hải Hậu - Nam Định) của tàu 143 ngày nào giờ đã bước qua tuổi “cổ lai hy”, song, gương mặt ông vẫn còn  phảng phất nét rắn rỏi của người đi biển. Nửa thế kỷ qua, nhưng những gì diễn ra trong đêm 15, rạng sáng ngày 16-2-1965 ở Vũng Rô (xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Ông thuật lại câu chuyện trong rưng rưng nước mắt. Đêm 15-2, khi tàu 143 đang bốc dỡ hàng tại bến thì hỏng tời neo. 5h sáng, sự cố hỏng hóc này mới được khắc phục xong, nhưng đã quá muộn để tàu có thể rời bến, đành chọn giải pháp đậu lại tại Bãi Chùa. Nhưng một viên phi công địch, tình cờ bay ngang qua, đã nhìn thấy “một mỏm đá lạ nhô lên trên vách núi phía Tây Vũng Rô”. Lập tức thông tin này được địch triển khai thám sát mục tiêu và ném bom. Những ngày sau đó, chúng liên tục cho máy bay tàu chiến quần thảo trên vùng biển này với ý định chiếm tàu, khuếch trương chiến tích nhưng đều gặp phải sự chống trả của ta…

 Sự kiện Vũng Rô là dấu mốc chấm dứt một giai đoạn hoàn toàn bí mật của tuyến vận tải quân sự trên biển mang tên chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tá Hải quân Mỹ R. Schorosbay đã viết trên tờ Naval Institute Press: “Vụ Vũng Rô đã khẳng định điều mà chúng ta nghi ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Sự xuất hiện đồng thời loạt vũ khí mới cỡ 7,62mm của đối phương ở những vùng ven biển khác nói lên một điều, chắc chắn, đối phương còn sử dụng những vị trí khác nữa để nhập hàng vận chuyển bằng đường biển”.

Tháng 4-1965, gần 2 tháng sau sự kiện Vũng Rô, địch bắt đầu triển khai một chiến dịch lớn mang tên “Market time” phân công: hải quân ngụy tuần tiễu ven bờ, hải quân Mỹ ngăn chặn ngoài khơi. Toàn bộ vùng ven biển miền Nam được kiểm soát chặt chẽ bởi 9 khu vực chiến đấu và 5 trung tâm giám sát lớn. Song, mọi cố gắng của địch đều không thể dập tắt quyết tâm lớn của ta. Tháng 10-1965, ta tiếp tục vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam đang ngày càng đánh lớn hơn. Cuộc chiến đấu trên biển cũng vì thế mà ngày càng ác liệt hơn. Vũng Rô hiểm yếu bị phát hiện thì những bãi cát dài ven biển miền Trung lại được tìm làm bến đậu. Sự táo bạo và thông minh, tinh thần chiến đấu kiên cường của các thủy thủ tàu 143 cùng lực luợng bảo vệ bến, bảo vệ sự bí mật của con đường trên biển đã trở thành kinh nghiệm quý giá, nguồn động viên tinh thần to lớn của cán bộ chiến sĩ đoàn tàu không số… Vũng Rô đã trở thành bến tàu nổi tiếng, biểu tượng anh hùng của tuyến vận tải quân sự chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.

(Còn tiếp)