Chuyện gái Tây làm dâu Ta

ANTĐ - Tốt nghiệp loại ưu một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, Tuấn Anh tiếp tục sang Mỹ học thạc sĩ. 3 năm sau khi kết thúc khoá học, anh về nước mang theo tấm bằng cùng một cô vợ Tây trong sự sững sờ của bố mẹ. Nhưng rồi, tình yêu cũng không giúp họ xoá đi những khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, để rồi đường ai nấy đi…

Tìm sự khớp nối từ 2 nền văn hoá

Mặc dù ở riêng căn hộ, nhưng vợ chồng Tuấn Anh và bố mẹ vẫn sống trong cùng một khu chung cư. Những tuần đầu sau khi về nước, Tuấn Anh bảo vợ về ăn tối với bố mẹ nhưng Jennifer đồng ý với một điều kiện: “Mỗi tuần vẫn phải đưa cô đi ăn tối 3 lần tại nhà hàng”. Mẹ Tuấn Anh dành thời gian nấu ăn mỗi tối cho cả nhà, nhưng cô con dâu tây chỉ biết nói một câu khi kết thúc bữa ăn: “Cảm ơn mẹ về bữa tối”, khiến không ít lần mẹ chồng chỉ biết thở dài. Tuấn Anh chia sẻ: “Việc chúng tôi về ăn tối thất thường khiến mẹ tôi khá vất vả vì không biết nên chờ ăn cơm cùng hay để phần thế nào, vì vậy tôi đã xin phép bố mẹ cho chúng tôi tự nấu ăn. Do Jennifer chưa từng đi chợ bao giờ, lại không giỏi tiếng Việt nên hiển nhiên tôi trở thành người đi chợ mỗi sáng. Rồi cũng chính tôi là người vào bếp nấu nướng, bởi vợ tôi quá bận và không kịp về nấu ăn…”. 

Điều khiến Tuấn Anh buồn là khi anh đề cập đến chuyện con cái thì Jennifer lại thoái thác: “Công việc đòi hỏi em phải về Mỹ làm việc khoảng một năm. Sau khi mọi việc ổn định, chúng ta sẽ nói về chuyện con cái…”.

Sau một năm, Jennifer vẫn tiếp tục đưa ra những lý do để trì hoãn. Khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, cô dâu ngoại đã xách vali bỏ về Mỹ, còn Tuấn Anh thì sống trong nỗi dằn vặt, tiếc nuối…

Giống như trường hợp của Jennifer, Gabriel, cô gái người Canada đồng ý về làm dâu Việt sau 4 năm tìm hiểu người đồng nghiệp cùng làm chung trong một dự án. Do Gabriel nói tiếng Việt chưa sõi, nên Tùng - chồng cô phải kiêm luôn vai trò phiên dịch khi cô trò chuyện cùng bố mẹ chồng. Đến giờ, khi đã sống ở nhà chồng 6 năm và hoà nhập được với nếp sống gia đình chồng nhưng Gabriel vẫn không quên kỷ niệm ngày đầu tiên về làm dâu và tập nấu món canh cua Việt Nam để chiêu đãi cả nhà. Đúng như sách dạy, cô cũng đi chợ mua cua và nhờ người bán xay sẵn. Thế nhưng khi về nhà, Gabriel lại quên mất bước lọc cua mà cứ thế cho vào nồi nấu. Chỉ đến khi ăn, mọi người được phen vừa ăn, vừa nhằn sạn… Gabriel chia sẻ: “Những ngày đầu về sống cùng bố mẹ chồng, em rất vụng về và thường mắc lỗi. Nhưng do được bố mẹ chồng ân cần chỉ bảo, nên sau nửa năm, em đã được mẹ chồng “đào tạo” thành một nàng dâu người Việt thực thụ, từ việc nấu ăn đến cách cư xử hàng ngày…”.


Cần sự đồng cảm, sẻ chia

Tuy vậy, không phải tất cả những nàng dâu Tây nào cũng đều dễ dàng hoà nhập với văn hoá Việt, bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, cách sống,... Và không phải ai cũng được gia đình nhà chồng thương yêu, thông cảm như trường hợp của Gabriel. Cũng lấy nhau từ tình yêu, nhưng Mai - cô gái người Trung Quốc lại có một kết cục buồn. Mai và Tiến quen nhau khi Tiến bị gia đình “ép” sang Trung Quốc du học với hy vọng Tiến sẽ rời xa được đám bạn xấu. Chưa đầy một năm sau, Mai, một cô gái xinh xắn, ngoan ngoãn, con gái của một doanh nhân người Trung Quốc đã đồng ý theo Tiến về Việt Nam làm vợ. Do còn trẻ, không hiểu phong tục tập quán Việt Nam, không biết nói tiếng Việt, lại không được mẹ chồng chỉ bảo, nên chỉ trong một thời gian ngắn về làm dâu, giữa cô và mẹ chồng luôn nảy sinh mâu thuẫn. Đáng buồn hơn, chồng Mai là một anh chàng công tử chỉ biết ăn chơi, đua đòi nên không quan tâm đến vợ. Ngay cả khi 2 vợ chồng có con, anh ta cũng bỏ đi biệt tăm để Mai một mình xoay xở. Không biết bao đêm Mai nằm ôm con khóc một mình vì cảm thấy cô đơn trên đất khách nhưng cô không nỡ bỏ đứa con lại một mình…

Theo bà Lê Thị Tuý - chuyên gia tư vấn tâm lý, Trung tâm Tư vấn tâm lý gia đình Việt Nam, ngay cả với một gia đình người Việt, hoàn toàn tương đồng về ngôn ngữ, văn hoá, mối quan hệ giữa nàng dâu và nhà chồng còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp. Nếu nàng dâu đến từ một đất nước xa lạ thì sự thấu hiểu, hòa hợp lại càng khó khăn. Vì vậy, nếu không có sự cố gắng mở lòng từ cả hai phía để thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ thì tình yêu của hai vợ chồng sẽ không đủ để tạo dựng cuộc sống thực sự hạnh phúc. Trong những cuộc hôn nhân không tương đồng về ngôn ngữ, văn hoá thì mọi thành viên trong gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Bởi họ chính là nhịp cầu nối giúp cô dâu ngoại thích nghi với những thói quen sinh hoạt, ngôn ngữ của gia đình chồng. Chỉ có sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành của bố mẹ, anh em gia đình chồng mới có thể giúp cô dâu “ngoại” cảm thấy bớt cô đơn và cố gắng xây đắp hạnh phúc.

Tuy nhiên, bà Tuý cũng cho rằng trước khi quyết định lấy vợ “ngoại”, những chàng trai Việt cần cân nhắc kỹ và xác định rõ các yếu tố để có hạnh phúc bền lâu, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mình và cả người bạn đời để bước vào cuộc sống hôn nhân với nhiều thử thách chờ đợi ở phía trước.