Chương trình mục tiêu quốc gia nặng cơ chế xin cho, chạy chọt

ANTĐ - Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cần chuyển hết chương trình mục tiêu quốc gia sang chi thường xuyên để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Sáng nay (25-10), các Đoàn ĐBQH đã thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.   

Chương trình mục tiêu quốc gia nặng cơ chế xin cho, chạy chọt ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đứng) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, sáng 25-10

Tại đoàn Hà Nội, đóng góp về phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi tán thành quan điểm của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách “đã có nhiều tiến bộ trong phân bổ, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội như giáo dục đào tạo (GDĐT), khoa học công nghệ (KHCN), bảo vệ môi trường... Khi chúng ta phát triển kinh tế thường lãng quên lĩnh vực xã hội, vì vậy Quốc hội, Đảng, Chính phủ mới quy định những mức tỷ lệ để đảm bảo sự phát triển cân bằng”.

Ông Thi nhấn mạnh, do GDĐT và KHCN vốn được coi là quốc sách hàng đầu nên dù tình hình kinh tế xã hội có khó khăn cũng không nên cắt xén kinh phí dành cho các lĩnh vực này. Kinh phí dành cho giáo dục vốn đã khó khăn, nếu cắt nữa chỉ còn là dạy chay, cố duy trì hoạt động thôi. “Tôi đề nghị với GDĐT và KHCN phải thực hiện mức tối thiểu để đáp ứng nhu cầu chất lượng”, ông chốt.

Tiếp theo đó, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đứng lên nhận xét: Đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 thẳng thắng hơn so với các năm trước; ông đồng thời tán thành báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ông Quyền cho rằng có rất nhiều giải pháp đã được Chính phủ thực hiện, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại nhiều vấn đề: chi hành chính lớn, chi đầu tư phát triển vẫn dàn trải, lãng phí. Kỷ luật tài chính ngân sách ở một số địa phương, một số ngành còn bị buông lỏng.

“Đối với các dự án mới thì phải cân đối được nguồn lực mới được khởi công, nhiều địa phương chưa cân đối được nguồn lực đã làm, như vậy dàn trải chồng lên dàn trải. Đầu tư cho KHCN tôi không phản đối, nhưng phải rà soát lại tính hiệu quả”- đại biểu Quyền đưa ra giải pháp.

Đóng góp về chương trình mục tiêu quốc gia, ông Quyền nói thẳng, chương trình này còn rất nặng về cơ chế “xin cho và chạy chọt”: Về lâu dài cần cắt giảm tất cả chương trình mục tiêu quốc gia (trừ những chương trình lớn) và đưa vào chi thường xuyên để đảm bảo tính minh bạch. Trước mắt thì tôi đồng ý vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã có nghị quyết, nhưng không mở rộng lên. Ví dụ: Môi trường là vấn đề lâu dài thì phải chi thường xuyên, đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia thì ngành này, địa phương kia chạy chọt thì xin được, địa phương khác lại không được. Phải rà soát lại và sắp tới cần sớm ban hành Luật về đầu tư công để chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ sớm có hành lang pháp lý.

Ngoài việc đồng ý với đại biểu Nguyễn Đình Quyền về siết chặt chi hành chính, đại biểu Bùi Thị An còn đề cập đến vấn đề nợ xấu. Bà nói: Đề nghị Chính phủ làm rõ ra, nợ xấu bao nhiêu? ai nợ? đề nghị công khai danh tính. Chính phủ cũng cần công khai khoanh nợ cho ai, tỉnh nào, bao giờ đòi, không đòi được theo tiến độ thì ai chịu trách nhiệm....?

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.