Chứng trầm cảm của tuổi già

ANTĐ - Một số bệnh nhân và bác sỹ đều tin rằng, trầm cảm là hiện tượng khá bình thường ở những người đã có tuổi, đó hoàn toàn là một sai lầm. Vậy thì có sự khác biệt nào giữa chứng trầm cảm ở những người lớn tuổi và những người trẻ tuổi?

Nguyên nhân chính của chứng trầm cảm ở những người trung niên chính là sự lão hoá của bản thân. Đối với một người đàn ông, càng lớn tuổi thì đồng nghĩa với việc suy yếu về mặt thể chất, giảm tầm nhìn, thính giác cũng không còn nhạy bén và sự không ổn định về mặt tâm lý. Trầm cảm ở người già chính là sự trầm uất, lo lắng và u buồn liên tục. Họ luôn lo âu suy nghĩ và dự đoán những “cái chết” cho bản thân trong tương lai gần.

Người có tuổi thường đánh mất khả năng xác định phương hướng, lời nói thường rời rạc, ít cảm xúc. Ban đêm họ thường không ngủ mà cứ ngồi than vãn, kêu than hoặc đi lang thang khắp phòng. Họ đánh mất sự hứng thú với cuộc sống, tự cho mình là vô ích, là gánh nặng đối với gia đình và con cái. Ở những trường hợp như thế nguy cơ tự tử ở những người lớn tuổi thường rất cao, đặc biệt là khi chứng trầm cảm xuất hiện cùng với một số bệnh nghiêm trọng khác. Đáng tiếc là những người này và gia đình thường từ chối các biện pháp giúp đỡ, trị liệu về mặt tâm lý từ các bác sỹ, bởi họ cho rằng đó là tình trạng khá bình thường và tự nhiên ở tuổi già. Các chuyên gia đã chỉ ra những người dễ rơi vào chứng trầm cảm là phụ nữ trung tuổi, những người cao tuổi cô đơn hoặc những người đã mất vợ/chồng, những người lạm dụng bia rượu và ở những người mắc các bệnh tim mạch, bệnh khớp và ung thư.

Bất cứ những dấu hiệu cải thiện nào của chứng trầm cảm đều có thể làm cải thiện chất lượng cuộc sống và thay đổi suy nghĩ của bệnh nhân theo chiều hướng tích cực. Điều đó cũng đặc biệt tốt cho việc điều trị các bệnh nghiêm trọng khác nếu bệnh nhân đang mắc phải. 

Điều trị trầm cảm cho người có tuổi thường gặp khá nhiều khó khăn. Khi bắt đầu điều trị, bác sỹ sẽ quy định các phương pháp và các loại thuốc chống trầm cảm, kèm theo đó là các liệu pháp trị liệu tâm lý. Tuy nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp, những điều kể trên không phù hợp và không hiệu quả với người cao tuổi, bởi đôi khi các bệnh đi kèm không cho phép họ sử dụng các loại thuốc khác. 

Điều quan trọng ở đây chính là tìm được một vị bác sỹ giỏi và giàu kinh nghiệm, đồng thời quan trọng hơn nữa chính là sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Nếu có thể hãy để cho những người lớn tuổi tham gia càng nhiều càng tốt những hoạt động của xã hội. Hoà mình vào các hoạt động công ích sẽ giúp họ cảm thấy mình có ích hơn với gia đình và những người khác, khi đó tự nhiên chứng trầm cảm cũng dần dần biến mất.