Chứng khoán sắp tái lập đỉnh, vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn "xa bờ"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chỉ số tăng mạnh, VN-Index sắp tái lập đỉnh 1.500 điểm, song đà tăng tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu lớn. Điều này khiến tài khoản nhiều nhà đầu tư vẫn âm rất sâu.

Đà tăng tập trung vào các cổ phiếu lớn

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một tuần giao dịch ấn tượng, với VN-Index lập đỉnh hơn 3 năm, ở mức 1.457,76 điểm, tăng 5,1% so với tuần trước.

Chỉ số VN30 thậm chí còn tăng mạnh hơn, với mức tăng thêm 7,07%, đạt 1.594,07 điểm, phá vỡ kỷ lục trước đó.

Theo nhiều dự báo, thị trường từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến tích cực khi đàm phán thuế quan tiến triển, cùng với đó, kinh tế vĩ mô triển vọng lạc quan, triển vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét. Đa phần các nhận định đồng thuận rằng VN-Index sẽ tái lập đỉnh lịch sử 1.500 điểm trong nửa cuối năm.

Dù lạc quan về chỉ số, song không ít nhà đầu tư tỏ ra thất vọng khi tài khoản vẫn còn "xa bờ", danh mục cổ phiếu chỉ làng nhàng đi ngang hoặc nhích nhẹ do họ không nắm giữ các cổ phiếu tăng mạnh.

Điều này cho thấy đà tăng của thị trường đang bị phân hoá, tập trung vào một số cổ phiếu nhất định.

Nhiều nhà đầu tư không mấy vui, dù thị trường chứng khoán tăng mạnh những ngày qua

Nhiều nhà đầu tư không mấy vui, dù thị trường chứng khoán tăng mạnh những ngày qua

Phân tích của Công ty chứng khoán SHS, cho thấy, dù tuần qua VN-Index đã bứt phá ngoạn mục, song không phải tất cả các nhóm cổ phiếu đều được hưởng lợi. Đà tăng chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu họ Vingroup, nhóm thép, ngân hàng, chứng khoán và những mã vốn hóa lớn, vốn được hỗ trợ mạnh từ hoạt động mua ròng liên tiếp của khối ngoại.

Trong khi đó, không ít cổ phiếu midcap và các nhóm ngành khác vẫn chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy, cho thấy dòng tiền đang chọn lọc kỹ hơn, chỉ ưu tiên chảy vào những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc hoặc hưởng lợi trực tiếp từ sóng tăng.

Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết, tính từ đầu năm, bất động sản, ngân hàng và đặc biệt là nhóm cổ phiếu Vingroup là động lực đóng góp chính dẫn dắt thị trường chung. Nếu loại trừ các cổ phiếu thuộc Vingroup, chỉ số VN-Index gần như đi ngang so với đầu năm, nhưng vẫn phục hồi 17% so với vùng đáy đầu tháng 4 (tính đến hết tháng 6/2025).

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với lực mua ròng rất mạnh của khối ngoại và dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu trụ, xu hướng của VN-Index trong ngắn hạn là tích cực.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá FOMO (sợ bỏ lỡ) cổ phiếu mới. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu cũng không cần thiết phải bán ngay.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra quan điểm thận trọng.

Ông Hải cho biết, chỉ số VN-Index trong vài ngày qua đã liên tục tăng và lần đầu tiên vượt mốc 1.400 điểm sau hơn 3 năm. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh, đạt gần 30.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài cũng quay trở lại mạnh mẽ, với tổng giá trị mua ròng tăng cao.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng còn quá sớm để khẳng định liệu những dấu hiệu tích cực này có thực sự xuất phát từ thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hay không.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, mức thuế được công bố đối với hàng hóa từ Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số quốc gia khác, điều này mang lại lợi thế tương đối cho Việt Nam. Tuy nhiên, các tác động thực sự sẽ chỉ rõ hơn khi có thêm thông tin chi tiết về nội dung của thỏa thuận giữa hai nước, đặc biệt là công thức mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra để xác định thế nào là sản phẩm Việt Nam và thế nào là sản phẩm trung chuyển.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không có sản phẩm nào được sản xuất hoàn toàn bởi một quốc gia duy nhất. Do đó, chỉ khi có đầy đủ thông tin, chúng ta mới có thể đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của các chính sách này", Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho hay.

Triển vọng dài hạn vẫn tích cực

Trong ngắn hạn, Công ty chứng khoán SSI cho rằng thị trường có thể chứng kiến mức độ biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7, đầu tháng 8 do áp lực chốt lời trong mùa kết quả kinh doanh ra vào cuối tháng 7. Dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ bị hạn chế trong bối cảnh tỉ giá đã tăng hơn 3% trong nửa tháng đầu năm nay.

Cùng với đó, tác động từ thuế quan bắt đầu được thể hiện rõ rệt hơn, thể hiện qua số liệu xuất khẩu và kết quả kinh doanh quý 3 của một số nhóm ngành liên quan như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp.

Mặc dù vậy, SSI Reseach duy trì quan điểm tích cực về thị trường trong dài hạn với mục tiêu VNIndex đạt 1.500 cuối năm 2025.

Động lực chính của thị trường là: Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định: Chính phủ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, cùng với các động lực nội địa bao gồm cơ sở hạ tầng, thị trường bất động sản hồi phục, cũng như việc thúc đẩy kinh tế tư nhân có thể giúp Việt Nam tạo nền móng vững chắc cho đà tăng trưởng kinh tế bền vững;

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bền vững; Định giá hấp dẫn với P/E (giá/lợi nhuận) dự phóng của thị trường đã tăng từ 8,8 lần (ngày 9/4) lên 11,9 lần vào ngày 9/7, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm là 12,8 lần). SSI Reseach cho rằng, so với các thị trường trong khu vực, Việt Nam đang có định giá hấp dẫn, ROE mạnh mẽ và triển vọng lợi nhuận thuận lợi.

Môi trường lãi suất thấp cũng khiến thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn; đồng thời, triển vọng nâng hạng thị trường tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực trong những tháng tới.

“Chúng tôi tin rằng có khoảng 90% khả năng Việt Nam sẽ được FTSE Russell công bố là Thị trường Mới nổi vào tháng 10 năm 2025. Chúng tôi ước tính rằng việc nâng hạng bởi FTSE có thể thu hút khoảng 1 tỷ đô la Mỹ từ các quỹ ETF, chưa tính đến các quỹ chủ động”- chuyên gia SSI Reseach nhận định.

Chứng khoán ACB (ACBS) cũng dự báo VN-Index được dự phóng có thể đạt tới ngưỡng điểm số 1.350-1.500, trên nền dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2025 của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt 11,6% so với cùng kỳ.