Chuẩn bị kịch bản dự báo, đưa ra các giải pháp kiểm soát lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7-2022 tăng 0,4% so với tháng liền trước, tăng 3,59% so với tháng 12-2021 và tăng 3,14% so với tháng 7-2021. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%. Trong tháng 7-2022, trừ nhóm giao thông có chỉ số giá giảm mạnh (-2,85%), còn lại 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước.

Bộ Tài chính nhận định, từ nay đến cuối năm còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá bởi biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất; việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Ngoài ra, trong nửa cuối năm, khi các gói trong chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau một thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19.

Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào

Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào

Tuy nhiên, cơ quan quản lý này cho rằng, cũng có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có những điều chỉnh chính sách, trong đó chú trọng thắt chặt chính sách tiền tệ để ưu tiên kiểm soát lạm phát. Khi lạm phát ở các nước được kiểm soát, áp lực từ môi trường bên ngoài có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước, kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt hơn. Đồng thời, sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ; sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân; ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào cùng với các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Bộ Tài chính, thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá sẽ phối hợp với các bộ, ngành theo chức năng quản lý Nhà nước tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.