Lãi suất liên ngân hàng vượt 5%, có lo cuộc đua lãi suất tiết kiệm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã có bước nhảy vọt, vượt 5% trong khi trên kênh thị trường mở (OMO) đã tăng lên 3,9%. Liệu việc tăng lãi suất này có dẫn đến cuộc đua lãi suất trên thị trường dân cư?

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã có bước nhảy vọt, vượt 5% trong khi trên kênh thị trường mở (OMO) đã tăng lên 3,9%. Liệu việc tăng lãi suất này có dẫn đến cuộc đua lãi suất trên thị trường dân cư?

Lãi suất liên ngân hàng nhảy vọt

Từ giữa tháng 7 trở lại đây, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trở nên sôi động hơn rất nhiều, đặc biệt ở kỳ hạn qua đêm. Điều này cho thấy thanh khoản tạm thời của các ngân hàng đang gặp ít nhiều áp lực, hoạt động vay nóng lẫn nhau gia tăng.

Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng từ mức 0,83%/năm hồi giữa tháng 7 lên tới 5,01%/năm vào ngày 26/7. Mức lãi suất 5,01%/năm cũng tăng mạnh so với phiên liền trước đó (25/7) là 3,67%/năm. Doanh số giao dịch cũng vọt từ mức gần 195.000 tỷ đồng lên 280.000 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển từ trạng thái hút tiền sang trạng thái “bơm” tiền cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO). Lãi suất chào mua cũng tăng mạnh từ mức 2,5% duy trì suốt thời gian dài trước đó lên 3,8% vào ngày 26/7 và 3,9% vào 27/7.

Doanh số trên thị trường này đạt 15.000 tỷ đồng mỗi phiên trong 2 phiên vừa qua. Tính chung 4 phiên gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã bơm tiền cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ này, với tổng số 45.000 tỷ đồng.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng nóng nhưng chưa gây hiệu ứng lên thị trường dân cư

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng nóng nhưng chưa gây hiệu ứng lên thị trường dân cư

Trên thực tế, ở Việt Nam, thị trường mở và thị trường liên ngân hàng thông thường chỉ đáp ứng thanh khoản tạm thời cho các ngân hàng, ít có sự liên thông về lãi suất đối với thị trường 1 (thị trường dân cư). Do đó, khả năng sự nóng lên của thị trường liên ngân hàng những ngày gần đây sẽ không dẫn tới cuộc đua lãi suất trên thị trường 1.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư cũng liên tục tăng từ đầu năm đến nay với mức tăng 0,5-1% so với đầu năm. Ngay cả khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng đã bắt đầu nhích nhẹ lãi suất với mức tăng không đáng kể 0,1%/năm. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất của các ngân hàng chủ yếu do lạm phát tăng, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh để đảm bảo sự hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm so với các kênh khác.

Thanh khoản chỉ thiếu hụt cục bộ

Đánh giá về sức nóng trên thị trường liên ngân hàng và thị trường mở, chia sẻ trên VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của chứng khoán SSI cho biết, hiện nay, trên thế giới xuất hiện xu hướng tăng lãi suất. Ở Việt Nam, có những thời điểm VND có lãi suất thấp hơn USD. Trong bối cảnh FED có thể tăng lãi suất, sự chênh lệch giữa lãi suất VND và USD cần phải giãn ra một chút và có những thời điểm trong tuần mức chênh lệch lên đến 2% là khá hợp lý.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ đang chịu tác động bởi yếu tố thời vụ vì đây là tháng đầu tiên trong một quý, cũng là thời điểm các công ty phải nộp thuế. Vì thế có thể sẽ có một lượng thanh khoản bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.

“Nó sẽ có một số ảnh hưởng nhất định, song không cần quá lo ngại vì chỉ mang tính chất cục bộ", ông Hưng đánh giá.

Về việc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai đấu giá lãi suất OMO, ông Hưng cho rằng điều này giống như việc bình thường hóa lãi suất và không quá đáng lo ngại.

“Mức lãi suất trúng thầu vừa được ghi nhận có cao hơn so với mức 2,5% trước đó, song thực tế điều này không tạo ra một xu hướng tăng lãi suất. Những diễn biến vừa qua có thể được hiểu là lãi suất OMO đang được đưa đến gần hơn với mức định giá của thị trường” – chuyên gia này nói.

Đối với thị trường 1, các chuyên gia phân tích tại VNDirect kỳ vọng, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm sẽ trở lại trong quý IV/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. VNDirect dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.

Còn theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù trên thế giới đang diễn ra xu hướng tăng lãi suất, tuy nhiên, cơ quan này sẽ vẫn tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết tâm cùng toàn ngành ủng hộ chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc ổn định, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.