Bệnh viện thực hiện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép:

Chưa yên tâm khi áp dụng giải pháp chuyển viện

ANTĐ - Một trong những giải pháp được các bệnh viện tuyến trên áp dụng khi thực hiện cam kết “không có nằm ghép” là chuyển bệnh nhân nhẹ, người bệnh sau hồi sức tích cực xuống tuyến dưới. Dư luận băn khoăn quyền lợi của người bệnh ra sao khi phải chuyển tuyến…

Chưa yên tâm khi áp dụng giải pháp chuyển viện ảnh 1Quyền lợi của người bệnh có được đảm bảo khi phải chuyển tuyến?

Không phải chuyển đi là xong

Hiện nay, toàn quốc đã có 16 bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân nằm ghép. Đây là một tín hiệu vui, với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bệnh. Tuy nhiên, qua thời gian ngắn triển khai chủ trương này tại các bệnh viện, đã xuất hiện không ít vấn đề khiến người bệnh lo lắng. 

Một phụ huynh ở Thanh Hóa, có con đang điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi Trung ương băn khoăn: “Trước đây, được điều trị nội trú, khi cháu bị sốt hay có hiện tượng gì bất thường thì có thể gọi ngay bác sĩ, nhưng nay phải ra ở ngoại trú, có vấn đề gì thì lại phải mất thời gian cho cháu nhập viện. Vậy, liệu có phải  quyền lợi của những bệnh nhân như con tôi đã bị co hẹp do bệnh viện cam kết không nằm ghép?”. Tương tự, để hạn chế nằm ghép, tại Bệnh viện Việt Đức, có nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật phải chuyển về các cơ sở y tế tuyến dưới để tiếp tục chăm sóc, khiến người bệnh bị chuyển lo ngại gặp biến chứng hoặc nhiễm trùng. Cũng vì không để bệnh nhân nằm ghép, một số bệnh viện đã kê giường ra ngoài hành lang để bệnh nhân nằm khiến người bệnh không hài lòng…

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thừa nhận, những vấn đề nói trên là băn khoăn chung của các nhà quản lý, bệnh viện. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định, bệnh viện chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến dưới khi tình hình đã tương đối khả quan, còn với những bệnh nhân tiên lượng “có vấn đề” thì không bao giờ chuyển đi để lấy thành tích “không có nằm ghép”. Hơn nữa, ngay cả khi bệnh nhân đã chuyển xuống tuyến dưới thì bệnh viện vẫn chịu trách nhiệm chứ không phải chuyển đi là xong. “Chẳng hạn, một bệnh nhân bị viêm tụy cấp, sau khi điều trị ổn định, chúng tôi chuyển về Bệnh viện Xanh Pôn của Hà Nội, nếu có vấn đề gì thì bệnh viện này sẽ báo lại chúng tôi, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra” – ông Nguyễn Tiến Quyết nêu ví dụ. 

Phải cùng vào cuộc

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải cho biết, với các bệnh mãn tính, khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định, có thể hướng dẫn chăm sóc tại nhà hay tuyến dưới. Với những trường hợp phải chạy thận nhân tạo, dù 1 tuần phải vào viện 3 lần, mỗi lần mất 3, 4 giờ nhưng sau đó vẫn phải ra ngoại trú hoặc về địa phương, đại diện bệnh viện lý giải, không phải vì đã ký cam kết nên đẩy bệnh nhân ra ngoại trú. Dù vậy, để đảm bảo tốt hơn quyền lợi các bệnh nhân này, trong tương lai, chắc chắn bệnh viện sẽ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới thực hiện, đồng thời đề nghị UBND các địa phương và hệ thống bảo hiểm y tế vào cuộc quyết liệt để người bệnh được chăm sóc tại địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên. 

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Bộ đã phân tuyến kỹ thuật, phân công sự chỉ đạo của các bệnh viện tuyến cuối đối với từng khu vực, từng bệnh viện tuyến dưới khi chuyển bệnh nhân về. Do vậy, các bác sĩ luôn phải quan tâm tới chất lượng điều trị khi chuyển viện cho bệnh nhân. Hơn nữa, hiện Bộ Y tế đã có hệ thống Telemedicine giúp bác sĩ giữa các bệnh viện có thể hội chẩn trực tuyến để hỗ trợ lẫn nhau. Trong thực tế, tình trạng bệnh nhân bị tai biến khi chuyển từ tuyến trên xuống tuyến dưới rất ít gặp.  

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, trên thế giới, người ta quy định bệnh viện tuyến trên chỉ chữa bệnh nặng, xong thì trả về tuyến dưới, bác sỹ gia đình điều trị. Cơ chế bảo hiểm y tế cũng quy định như vậy. “Thế giới đã làm được, tôi nghĩ Việt Nam cũng làm được. Cái tôi lo là trường hợp tuyến trên giữ bệnh nhân lại để điều trị lấy tiền vì cơ chế tài chính của chúng ta còn nhiều bất cập. Nhà nước giao cho cán bộ y tế thu tiền để trả lương, thưởng và nhiều loại chi phí khác cho nên bệnh viện Trung ương cũng muốn có nhiều bệnh nhân, nhiều dịch vụ để tăng lương, thưởng” – ông Nguyễn Văn Tiên nói.