Chưa thể giảm tải giáo dục, y tế

ANTĐ - Chiều 30-3, HĐND TP Hà Nội đã họp báo giới thiệu nội dung Kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XIV. Theo đó, kỳ họp thứ 4 (kỳ họp chuyên đề ) sẽ được tổ chức từ ngày 3 đến 5-4-2012. Tại kỳ họp này,  HĐND TP sẽ xem xét 5 quy hoạch ngành, 1 đề án và xem xét, thảo luận 6 nghị quyết chuyên đề. 

3 năm nữa, người Hà Nội sẽ không còn phải vạ vật xếp hàng đêm xin học cho con

Cụ thể, HĐND TP sẽ thảo luận 6 nghị quyết chuyên đề về: Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch phát triển tổng thể nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. HĐND TP cũng sẽ xem xét, thảo luận nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn TP Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của PV Báo An ninh Thủ đô về việc, nếu các quy hoạch trên được triển khai, tới bao giờ người dân Hà Nội sẽ hết cảnh phải “trắng đêm xếp hàng xin học cho con” và các bệnh viện chấm dứt nạn quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐN TP Hà Nội cho biết, đây là bài toán lớn, đặc biệt khó đối với Thủ đô. Vì thế, nếu ngay từ bây giờ, TP không chủ động xây dựng các quy hoạch mạng lưới trường học, bệnh viện để sớm triển khai các dự án thì không biết đến bao giờ mới hết tình trạng bệnh nhân nằm ghép hay xếp hàng xin học. Đương nhiên, cùng với việc quy hoạch, TP sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư hệ thống trường, bệnh viện cũng như yếu tố nhân lực cho 2 ngành này.

Đi vào nội dung cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hoá xã hội cho biết, theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, dự kiến, đến năm 2015, TP Hà Nội cơ bản đủ trường học, với khoảng trên 50% số trường đạt chuẩn quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thùy nói: “Số học sinh trên đầu lớp có thể vẫn vượt tiêu chuẩn, nhất là các quận nội thành. Phải tới năm 2020, TP mới tiến tới đủ lớp học, tức là số học sinh trên đầu lớp sẽ được giãn ra về mức quy định...”. Trong lĩnh vực y tế, bà Trưởng ban Văn hóa xã hội cho biết: “Hiện có tới 30% người dân Hà Nội tới khám chữa bệnh ở các bệnh viện Trung ương trên địa bàn. Đây là lợi thế nhưng Hà Nội cũng rất khẩn trương trong việc xây dựng mạng lưới y tế của thành phố. Song, xây dựng bệnh viện không thể xong trong ngày một ngày hai. Nhân lực cho ngành này còn khó khăn hơn nữa. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có nói năm 2015, tình trạng quá  tải bệnh viện sẽ có chuyển biến  tích cực. Với bản quy hoạch này, TP Hà Nội sẽ giảm tải bệnh viện sớm hơn Trung ương một chút...”.

Dẫu vậy, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cảnh báo, quy hoạch có rồi nhưng việc triển khai thực hiện tới đâu lại là vấn đề khác. Ông thẳng thắn: “Vừa rồi, nhiều nơi cũng có quy hoạch, nhưng triển khai không ráo riết, chủ đầu tư chỉ chọn chỗ nào “ngon” thì làm, chỗ khó bỏ lại nên kết quả là bệnh viện, trạm y tế, trường học vẫn thiếu. Kỳ này rút kinh nghiệm, TP sẽ chỉ đạo quyết liệt, không để tái diễn tình trạng quy hoạch, dự án nằm dài trên giấy, 5 năm sau mở ra xem lại vẫn thấy... y chang!”.

Hà Nội cần 60.000 nhà, đất tái định cư

UBND TP Hà Nội vừa nhận được đề xuất của Sở GT-VT Hà Nội xin làm chủ đầu tư xây dựng một số khu đô thị tái định cư phục vụ các dự án giao thông. Liệt kê hàng loạt dự án trọng điểm đang triển khai như đường vành đai 2, đường Phương Mai - Sông Lừ; mở rộng tuyến đường Lương Đình Của ra đường Trường Chinh; đường Trần Phú - Kim Mã... Sở GT-VT cho biết, để có thể thực hiện các dự án trên, đòi hỏi phải GPMB với khối lượng rất lớn và nhu cầu về quỹ nhà, quỹ đất tái định cư rất cao. Trong khi đó, quỹ nhà, đất tái định cư hiện có của Hà Nội bố trí cho các dự án còn rất thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung. Do đó, để chủ động hơn, Sở GT-VT đề nghị TP xem xét, chấp thuận chủ trương giao cho Sở này làm chủ đầu tư xây dựng một số khu đô thị tái định cư. Được biết, tổng nhu cầu quỹ nhà tái định cư giai đoạn 2011 - 2020 trên toàn Hà Nội ước khoảng 50.000 căn hộ và 10.000 lô đất tái định cư.