Ngân hàng Marfin cùng các ngân hàng khác cũng phải đóng cửa đến hết ngày 28-3
Lẽ ra các ngân hàng ở Cyprus đã mở cửa trở lại từ 26-3 sau khi chính phủ Cyprus đạt được thoả thuận với “bộ ba” chủ nợ gồm Uỷ ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giúp quốc đảo này khỏi bị vỡ nợ. Thế nhưng, theo quyết định được đưa ra vào đêm 25-3, Ngân hàng Trung ương Cyprus đã quyết định tất cả các ngân hàng của nước này sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới 28-3, kể cả hai ngân hàng lớn nhất nước là Ngân hàng Cyprus và Ngân hàng Nhân dân (Laiki).
Lý giải cho quyết định bất ngờ vào phút chót, Ngân hàng Trung ương Cyprus cho biết, việc hoãn mở cửa tất cả các ngân hàng là nhằm đảm bảo hoạt động suôn sẻ của toàn bộ hệ thống sau khi 2 ngân hàng lớn nhất (Ngân hàng Cyprus và Laiki) tiến hành tái cơ cấu và sáp nhập theo yêu cầu của nhóm chủ nợ. Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades cho biết thêm Ngân hàng Trung ương sẽ tạm thời áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn của các ngân hàng sau khi mở cửa trở lại.
Trước đó, toàn bộ các ngân hàng ở Cyprus đã buộc phải đóng cửa từ 19-3 để khỏi bị sụp đổ khi người dân nước này ồ ạt đi rút tiền để phản đối quyết định đánh thuế tiền tiết kiệm có hiệu lực cùng ngày. Quyết định đánh thuế này (lên tới 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro và 6,75% đối với các khoản tiền dưới 100.000 euro) nhằm giúp Cyprus thu được 5,8 tỷ euro để được nhận khoản cứu trợ trị giá 10 tỷ euro (13 tỷ USD) của “bộ ba” chủ nợ.
Tuy nhiên, quyết định đánh thuế tiền tiết kiệm đã bị người dân Cyprus phản đối dữ dội bằng việc rút tiền ồ ạt, đẩy hệ thống ngân hàng cả nước tới nguy cơ sụp đổ. Để xoa dịu sự tức giận của người dân cũng như cứu nguy cho hệ thống ngân hàng, Quốc hội Cyprus ngay trong ngày 19-3 đã họp khẩn cấp để bác quyết định đánh thuế tiền tiết kiệm.
Tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, chính phủ Cyprus cùng “bộ ba” chủ nợ đã phải ngồi lại bàn tính “Kế hoạch B” thay cho đơn thuốc giải cứu gây sốc. Cuối cùng, Cyprus cùng “bộ ba” chủ nợ trong cuộc họp ngày 24-3 tại Brussels (Bỉ) cũng đã đạt được thoả thuận để dọn đường cho gói hỗ trợ 10 tỷ euro.
Theo thỏa thuận này, ngân hàng lớn thứ hai nước này (Laiki) sẽ phải đóng cửa và Ngân hàng Cyprus sẽ tiếp quản một phần tài sản của Laiki cùng 9 tỷ euro hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương Cyprus. Dù không còn bị đánh thuế song tất cả các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro sẽ được chuyển sang Ngân hàng Cyprus, còn các khoản trên 100.000 euro sẽ bị đóng băng và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki cũng như tái cơ cấu Ngân hàng Cyprus thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi/cổ phần.
Cho dù Cyprus và “bộ ba”chủ nợ tìm được lối thoát khả dĩ cho cuộc khủng hoảng song không chỉ đảo quốc này mà các nhà đầu tư châu Âu cũng như toàn cầu đều chưa thể an lòng. Trong khi Cyprus buộc phải lùi thời gian mở cửa hệ thống ngân hàng tới ngày 28-3 thì tất cả các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới ngày 25-3 đều giảm điểm khi có thông tin về thoả thuận “Kế hoạch B” trước đó 1 ngày.