Chưa quan tâm đúng mức đến ATVSLĐ - PCCN
(ANTĐ) - Đó là đánh giá của ngành LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn lao động - phòng chống cháy nổ (ATLĐ - PCCN). Phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Minh Hòa - Cục trưởng Cục An toàn lao động (ATLĐ - Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.
- PV: Theo đánh giá thì tình hình tai nạn lao động thời gian vừa qua vẫn xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng. Theo bà, đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp nào để tránh tình trạng này?
- Bà Đoàn Minh Hòa: Qua phân tích của chúng tôi cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chiếm khoảng 35%, còn lại là do người sử dụng lao động và do thiết bị không bảo đảm an toàn lao động.
Về giải pháp, với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước ở các cấp và sẽ bổ sung các văn bản, trong đó đặc biệt chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào các Bộ, ngành khác thực hiện như thế nào. Một trong những biện pháp quan trọng nữa là tăng cường công tác thanh tra kiểm tra về thực hiện các biện pháp về an toàn lao động trong các doanh nghiệp.
- PV: Phải chăng có cả trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH trong vấn đề này?
- Bà Đoàn Minh Hòa: Với một lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhiều, chúng tôi không thể thanh tra, kiểm tra xuể với một lực lượng mỏng như hiện nay… Vì vậy, trong năm nay chúng tôi đã đề ra giải pháp, sẽ lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra ngay tại các cơ quan Bộ, ngành xem đã thực hiện tốt các chức năng của mình hay chưa theo quy trình chức năng của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất các Bộ ngành phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định của Chính phủ và phải kiểm tra công tác này trong lĩnh vực mình quản lý.
Về phía các địa phương phải tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác này và thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về xây dựng chương trình quốc gia về ATLĐ (theo Nghị định 06) bởi các địa phương chưa thực sự quan tâm lắm.
Đến nay, còn 7 địa phương chưa xây dựng chương trình quốc gia về ATLĐ theo Quy định 233 của Chính phủ như: Hải Dương, Thái Bình, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh… Còn 24 địa phương khác đã xây dựng nhưng chưa đúng về quy định của Chính phủ.
- PV: Với những đơn vị chưa xây dựng các chương trình Quốc gia về ATLĐ thì Bộ có xử lý như thế nào?
- Bà Đoàn Minh Hòa: Với 7 tỉnh chưa xây dựng và 24 tỉnh xây dựng không đúng quy định, cuối năm trước Bộ LĐ-TB&XH đã nhắc nhở, nếu không chúng tôi sẽ cắt kinh phí, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào.
Dự kiến, chúng tôi sẽ đến từng tỉnh để nắm tình hình xem họ có khó khăn gì, tại sao không thực hiện... Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng không lớn vì vậy mà các tỉnh vẫn chưa thực sự chú trọng. Biện pháp cuối cùng có lẽ chúng tôi phải báo cáo Chính phủ.
- PV: Một vấn đề nữa, đó là việc báo cáo về tình hình TNLĐ được thực hiện không nghiêm túc, điển hình như năm 2006, chỉ có 10% báo cáo nên chúng ta chưa đánh giá chính xác được tình hình TNLĐ?
- Bà Đoàn Minh Hòa: Đúng là như vậy, thứ nhất là do số doanh nghiệp tăng nhiều. Tiếp đến, hệ thống báo cáo về TNLĐ đang được đánh giá là phức tạp, doanh nghiệp từ chối báo cáo.
Đầu năm 2008, chúng tôi đã sửa lại hệ thống báo cáo mới và đang lấy ý kiến các doanh nghiêp. Hy vọng năm 2008, với hệ thống báo cáo mới, các doanh nghiệp sẽ báo cáo cụ thể, chi tiết hơn và sẽ có những con số sát thực hơn về tình hình TNLĐ.
Huệ Chi (Thực hiện)