Chưa phải “giải cứu”

(ANTĐ) - Ở nước ta, bất động sản là một thị trường chiếm một lượng tín dụng khá lớn của nền kinh tế. Tính đến hết tháng 6 thị trường bất động sản vẫn “bất động” đến mức giới kinh doanh lo ngại sẽ “đóng băng hóa đá”.

Dư nợ bất động sản ở mức 222.000 tỷ đồng, dù đã giảm 13.000 tỷ đồng so với cuối năm 2010 nhưng vẫn chiếm 8,54% dư nợ của cả nền kinh tế. Nếu giá thị trường giảm quá mạnh, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và nhà đầu tư khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại tăng mạnh sẽ gây hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Tình trạng “đóng băng bất động sản” đã manh nha từ nửa cuối năm ngoái hàng tồn kho, dự án dở dang, khách hàng chậm trả. Từ đầu năm nay, khi Chính phủ có chủ trương cắt giảm đầu tư công và thắt chặt chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp bất động sản lại càng lúng túng hơn trong tình cảnh xoay xở huy động vốn để hoàn thành công trình cũng như tiêu thụ hàng hóa. Muốn thu hồi vốn, họ phải tìm mọi cách để bán hàng. Các đợt giảm giá, khuyến mãi diễn ra khá rầm rộ.

Thậm chí có công ty bất động sản còn tung ra “chiêu độc”: Tặng cả mặt sàn trung tâm thương mại cho khách hàng nào đóng 100% tiền mua căn hộ trước thời hạn quy định. Các chủ đầu tư tranh nhau giảm giá cũng dễ hiểu ngay cả các nhà đầu tư thứ cấp cũng hối hả lao vào cuộc “đẩy hàng” đi cho nhanh khi mà giá đang tụt dốc. Các chủ đầu tư đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, các đợt chào bán giảm giá, đương nhiên giá các lô đất hoặc căn hộ cũng phải kéo thấp xuống. Trong khi xu hướng giảm giá không có dấu hiệu chững lại, càng “ôm” hàng lâu thì càng thua thiệt, mất giá.

Hơn thế, các nhà đầu tư thứ cấp còn phải “gồng mình” chịu áp lực phải trả lãi ngân hàng khi đầu tư bằng một khoản lớn tiền vay, nhất là đến hạn phải đóng tiền cho chủ đầu tư, trong khi các ngân hàng thương mại lại “siết chặt” cho vay bất động sản. Tình trạng “khát vốn” là nguyên nhân đẩy các nhà đầu tư công trình lẫn nhà đầu tư thứ cấp buộc phải tung hàng ra bán.

Trớ trêu thay, các nhà đầu tư có nhu cầu thực thì vẫn cứ dửng dưng, “quay lưng” với thị trường càng khiến cho giá bất động sản tiếp tục sụt giảm. Dưới con mắt của giới chuyên gia, thực ra mức độ giảm giá chỉ mang tính cục bộ ở một số dự án và khu vực vốn “quá nóng” trước đây, chứ chưa đến mức loang rộng. Có thể khẳng định rằng, với mức độ giảm giá như hiện nay, các nhà đầu tư và công ty bất động sản mới chỉ bị “trầy xước” nhẹ, tức là chỉ được lãi ít cùng lắm là mất lãi, chứ chưa đến mức thua lỗ nặng.

Hiện tại, các công ty bất động sản vẫn có thể bán được hàng “ngon lành” với mức giá thấp hơn giá niêm yết từ 10-15%. Chỉ khi nào mức giảm giá quá 30% thì mới thực sự đáng báo động cho hệ thống ngân hàng. Nhìn lại thị trường bất động sản ở nước ta, thấy rất rõ giá tăng liên tục tạo ra sức hút rất lớn lôi cuốn nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đổ cả “núi” tiền đầu tư vào mảnh đất “béo bở” này.

Chẳng riêng gì các “ông lớn”, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng “nhảy” vào cuộc săn tìm lợi nhuận với những dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Giá bất động sản cao ngất khiến cho chi phí giá thuê nhà xưởng, văn phòng… của doanh nghiệp tăng cao, cản trở khả năng thu hút đầu tư phát triển sản xuất. Việt Nam hiện nằm trong số thị trường có giá thuê văn phòng đắt nhất thế giới, trong đó TP.HCM được xếp hạng thứ 19, Hà Nội đứng thứ 21.

Rõ ràng là cần “để mắt” đến sự sụt giảm giá của thị trường bất động sản. Nếu giá tiếp tục giảm trên diện rộng thì tất nhiên phải có sự hỗ trợ nhất định. Nhưng hiện nay chưa có dấu hiệu đáng lo ngại, giảm về mức hợp lý thì chưa đến mức phải “giải cứu”.