Chưa lạc quan với kịch bản kinh tế Việt Nam 2013

ANTĐ - “Suy thoái kinh tế thế giới năm 2012 liệu đã xuống tới đáy và năm 2013 sẽ bắt đầu phục hồi” là câu hỏi mà các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. 

Ngoài các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần điều chỉnh giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu 

để tránh lạm phát trở lại, khôi phục sức mua. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Chưa hết khó khăn

Theo Nghị quyết 01 ngày 7-1-2013 của Chính phủ, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2013 như sau: tăng trưởng GDP khoảng 5,5% so với năm 2012; tăng trưởng xuất khẩu 10%; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đạt 8%; bội chi ngân sách 4,8% GDP; CPI tăng từ 6-6,5% so với năm ngoái; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 30% GDP. Tiến sĩ Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) đặt câu hỏi: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều thuận lợi cũng như khó khăn, liệu các mục tiêu Chính phủ đặt ra có khả thi? 

Trả lời cho câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: “Triển vọng kinh tế năm 2013 không có nhiều đột biến so với năm 2012. Có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm, giúp tăng trưởng cả năm 2013 cao hơn năm 2012 nhưng không đáng kể (khoảng 5,2-5,3%). Lạm phát năm nay có thể tăng cao trở lại, khiến mục tiêu lạm phát dưới 6% của Chính phủ trở nên mong manh. Thêm vào đó, việc tăng giá điện vào cuối tháng 12-2012 và sự điều chỉnh lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn sẽ đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013”. Thâm hụt thương mại nhẹ nhiều khả năng trở lại do sự phục hồi sản xuất vào cuối năm. Bên cạnh đó, tỷ giá sẽ tăng nhẹ, thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao, chính sách điều hành kinh tế vẫn phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chính hơn là thị trường. Cũng theo ông Thành, môi trường kinh doanh không được cải thiện nhiều và rất khó kỳ vọng cải cách sâu rộng trên nhiều phương diện.

Nhóm chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Trinh và Nguyễn Quốc Phong tỏ ra bi quan hơn khi dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam chỉ đạt từ 4-5% nếu điều kiện tăng trưởng về các yếu tố của tổng cầu vẫn được bảo đảm và hiệu quả đầu tư không thay đổi so với năm 2012. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong năm 2013 và các năm tiếp theo, vốn đầu tư có còn tiếp tục được duy trì như năm 2012 hay không, đặc biệt là đầu tư của khu vực Nhà nước? Theo các chuyên gia này, việc tăng cường đầu tư công để phá bỏ, xây mới trụ sở, mua sắm xe, phương tiện làm việc... như nửa cuối năm 2012 sẽ làm tăng GDP một cách trực tiếp nhưng không hiệu quả và không có sức kích thích cho những năm sau. Thêm vào đó, hiện tại cả người tiêu dùng và nhà đầu tư đều khá thận trọng trong chi tiêu nên mở rộng sản xuất là việc làm khó. Yếu tố còn lại đóng góp vào GDP là xuất khẩu cũng được dự báo không mấy sáng sủa khi nền kinh tế của các nước khác chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn. 

Thận trọng điều hành

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong năm 2013, Chính phủ cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, điều hành đồng bộ cùng các chính sách khác như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công... Lạm phát năm 2013 hướng tới mức 10% và khó kiềm giữ ở mức 6% như mục tiêu đề ra. “Cần thận trọng với những ý định cố gắng hạ trần lãi suất huy động trong năm 2013”- vị chuyên gia này nhấn mạnh. Ngoài ra, cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, phục hồi thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu và cải cách thể chế kinh tế với trọng tâm là giảm các thủ tục hành chính, thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu lực.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh và Nguyễn Viết Phong còn lưu ý thêm việc điều hành của Chính phủ liên quan tới tình trạng độc quyền của các tập đoàn, tổng công ty như: xăng dầu, điện... Yếu tố này không chỉ tác động khiến CPI tăng, làm giảm tổng cầu của người dân, mà còn ảnh hưởng tới cơ cấu tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thuế, phí của các mặt hàng thiết yếu này ở Việt Nam khá cao, tác động đến khoản tiền để dành tái đầu tư của nền kinh tế. Việc điều hành kinh tế năm 2013 cần thận trọng và chưa vội lạc quan.

Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Việt Nam cần cải cách căn bản, mạnh mẽ về thể chế và cấu trúc kinh tế để vượt qua những thách thức hiện nay, phát huy lợi thế và tiềm năng của nền kinh tế”.