Chưa có khung pháp lý, quấy rối tình dục còn tiếp diễn

ANTĐ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Bình phân tích, một trong những nguyên nhân không thể giải quyết triệt để tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc là do nạn nhân không biết phải khiếu nại, tố cáo ở đâu. Nếu tiếp nhận tố cáo, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa chắc giải quyết được vì rất khó xác định đâu là hành vi quấy rối tình dục. 

Chưa có khung pháp lý, quấy rối tình dục còn tiếp diễn ảnh 1Phần lớn các nạn nhân không hiểu rõ hành vi nào bị coi là quấy rối tình dục

Ngại tố cáo vì sợ bị trù úm

Theo một nghiên cứu của Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng Hoa Kỳ, cái giá phải trả của hành động quấy rối tình dục nơi công sở là rất lớn. Phí tổn luật pháp, tiền bồi thường thiệt hại chỉ là bề nổi. Những hành vi này còn gây ảnh hưởng nặng nề đến hiệu suất công việc, làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp. Ủy ban này cũng thống kê, tại Mỹ thiệt hại hàng năm do hành động quấy rối tình dục nơi công sở lên tới 40 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Vân, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay, ở nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức về quấy rối tình dục. Tình trạng này  khá phổ biến nhưng do nhiều nguyên nhân nên ít khi bị đưa ra công khai. Năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành khảo sát nhanh đối với 102 người là cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, người lao động, sinh viên… Kết quả cho thấy, tình trạng quấy rối tình dục xảy ra ở mọi môi trường và với mọi lứa tuổi. Phần lớn nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là nữ giới, chiếm 78,2%.

Mặc dù, hành vi quấy rối tình dục vẫn tồn tại trong môi trường làm việc ở Việt Nam nhưng do đặc điểm tâm lý Á Đông chi phối nên người trong cuộc thường im lặng, cam chịu. Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, người quấy rối tình dục là cấp trên thì nạn nhân cũng không dám tố cáo vì sợ bị trù úm, trả thù. Trong khi người lao động cam chịu thì người sử dụng lao động phần nhiều có thái độ bỏ qua, giả vờ không nghe, không biết sự việc xảy ra, hoặc nếu có xử lý thì chỉ ở mức nhắc nhở, phê bình. 

Thiếu hành lang pháp lý

Ông Ngô Hoàng, Phó Trưởng phòng Pháp luật lao động - Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, pháp luật lao động Việt Nam đã có quy định về quấy rối tình dục nhưng còn nhiều bất cập. Việc thiếu một định nghĩa rõ ràng khiến các quy định gần như vô dụng vì không thể áp dụng được trong thực tế. Năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đây được coi như một khuyến nghị mạnh mẽ hướng dẫn người sử dụng lao động cùng với người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc phòng chống hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó, mức độ ảnh hưởng và tác động chưa mạnh, không có tính bắt buộc, cưỡng chế mà chỉ dừng lại ở mặt khuyến cáo.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, giảng viên trường Đại học Lao động xã hội, hiện nay, cả người lao động và người sử dụng lao động đều chưa có cách nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ để tự bảo vệ bản thân, bảo vệ môi trường làm việc trong sạch. Việc thiếu thông tin khiến nạn nhân không biết kêu ai, trong khi kẻ vi phạm thì vẫn thản nhiên tái phạm. 

Do đó, hoàn thiện pháp luật lao động về quấy rối tình dục tại nơi làm việc là rất cần thiết. Điều quan trọng là, khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về phòng chống quấy rối tình dục, cần có một định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục tại nơi làm việc; về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện, chế tài xử lý, biện pháp phòng ngừa. Việc xây dựng được hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng tạo điều kiện cho nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.