Tranh chấp tại tòa nhà tái định cư 4F Trung Yên:

Chưa có hồi kết

ANTĐ - Nhiều năm đi đòi phòng sinh hoạt cộng đồng nhưng bị đơn vị quản lý phớt lờ, cư dân của tòa nhà tái định cư 4F Trung Yên đã “phong tỏa” toàn bộ phần diện tích mà họ cho là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Điều này khiến cho mọi hoạt động của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng TN&MT Hà Nội (đơn vị thuê diện tích nói trên) bị tê liệt. Sự việc bắt đầu từ ngày 30-5 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu… hạ nhiệt.

Chung cư 4F Trung Yên

Những cư dân bị bỏ quên

Năm 2007, sau khi bị thu hồi nhà để nhường chỗ cho dự án xây dựng đường sắt trên cao của Hà Nội, hàng trăm hộ dân đã dọn về tái định cư tại tòa nhà 4F Trung Yên thuộc tổ dân phố 34, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Những tưởng cuộc sống sẽ đi vào ổn định, thế nhưng từ đó tới nay, người dân nơi đây đã phải đối mặt với không ít phiền hà.

Bà Nguyễn Thị Lộc - tổ trưởng tổ dân phố 34, phường Yên Hòa cho biết: “Từ khi dọn về đây ở, trong từng ấy năm, đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cùng doanh nghiệp vận hành là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị đã cố tình bỏ quên chúng tôi. Hậu quả là tòa nhà 4F bị xuống cấp nghiêm trọng. Sân đường sụt lún lồi lõm, hệ thống thoát nước úng ngập hàng tuần khiến nước thải tràn khắp nơi, bốc mùi hôi thối. Phần diện tích sử dụng chung của tòa nhà bị chính đơn vị quản lý chiếm dụng đem cho thuê. Hàng tháng họ thu tiền dịch vụ của người dân nhưng thang máy không được kiểm định, bảo trì... Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được khắc phục”.

Theo bà Lộc, sau nhiều năm sống trong bức xúc, tháng 1-2014 người dân đã tự thành lập ra Ban quản trị của riêng mình và được UBND quận Cầu Giấy ra quyết định công nhận. Kể từ đó đến nay, bộ mặt của tòa nhà đã được thay đổi khang trang, sạch đẹp hơn. Thế nhưng, oái oăm ở chỗ, dù đã có Ban quản trị riêng nhưng việc bàn giao quyền quản trị của tòa nhà theo như luật định vẫn không được thực hiện.

Thậm chí phía Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội sau đó còn lấy nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) của tòa nhà cho Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng TN&MT Hà Nội thuê lại. Đòi nhiều lần không được, cư dân tòa nhà 4F đã bàn nhau khóa trái nơi này, đồng thời căng băng rôn, biểu ngữ đòi quyền lợi khắp nơi.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Ban quản trị nhà 4F bức xúc nói: “Đây là biện pháp cực chẳng đã. Trên bản vẽ hoàn công tòa nhà ghi rõ phần mà công ty đem cho thuê là câu lạc bộ thuộc phần diện tích sử dụng chung của cư dân nhà 4F. Chúng tôi đã đòi nhiều lần, đơn thư cũng đã gửi cả lên Sở Xây dựng nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong chừng ấy năm, phía công ty quản lý tòa nhà có nhiều khuất tất. Ví dụ họ thu tiền gửi hàng chục xe ô tô của chúng tôi từ năm 2007 đến 2014 với giá trung bình là 600.000đồng/tháng nhưng không hề có hợp đồng hay hóa đơn chứng từ. Hay như việc sử dụng khoản tiền 2% kinh phí bảo trì tòa nhà là gần 1,3 tỷ đồng từ năm 2007 đến 2014 mới hoàn trả chúng tôi nhưng cũng không rõ ràng về số tiền lãi trong suốt từng ấy năm. Ngay như việc chúng tôi yêu cầu bàn giao hồ sơ duy tu bảo dưỡng tòa nhà và quản lý vận hành các trang thiết bị họ cũng không thực hiện”.

Vẫn chưa ngã ngũ

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về những thắc mắc của người dân, ông Chử Văn Tráng - Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị cho rằng, những khiếu nại của người dân về việc đòi nhà SHCĐ hiện đang được công ty cho Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng TN&MT Hà Nội thuê là không đúng. “Chung cư 4F xây dựng từ trước khi có Luật Nhà ở, do đó không có thiết kế cho nhà SHCĐ. Người dân căn cứ vào bản vẽ hoàn công để đòi diện tích này là chưa thực tế.

Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đối với những nhà chung cư đã được xây dựng từ trước khi có Luật Nhà ở, nếu không có thiết kế diện tích nhà SHCĐ nhưng có diện tích để kinh doanh thì chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư có thể thỏa thuận để các chủ sở hữu mua lại hoặc thuê lại một phần diện tích này để làm nhà SHCĐ… Như vậy nếu người dân chung cư 4F muốn có nhà SHCĐ thì họ cần phải thương lượng, thỏa thuận với chúng tôi” - ông Tráng nói.

Phản bác lại quan điểm này, ông Đỗ Huy Cảnh - Tổ phó tổ dân phố 34 phường Yên Hòa nói: “Cách biện minh như vậy là đánh bùn sang ao. Nếu nói chung cư 4F xây trước khi có Luật Nhà ở nên không có nhà SHCĐ, vậy tại sao họ lại thu của chúng tôi số tiền 2% kinh phí bảo trì vốn là khoản tiền chỉ áp dụng với các hộ dân mua nhà sau khi có Luật Nhà ở? Rõ ràng khi thu tiền của dân thì họ áp chúng tôi vào đối tượng sau Luật, nhưng khi dân đòi quyền lợi thì doanh nghiệp lại áp vào đối tượng trước khi có Luật. Như vậy là bất nhất và thể hiện sự coi thường người dân”.

Về số tiền 2% kinh phí bảo trì sau khi bàn giao cho Ban quản trị nhưng không trả lãi suốt từ năm 2007 đến 2014, ông Bùi Dũng - Trưởng phòng Quản lý nhà tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) cho biết: “Số tiền này kể từ khi thu của người dân, công ty chúng tôi nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước. Đến ngày 30-5-2014 Sở Tài chính mới chuyển cho công ty để hoàn trả cho các tòa nhà và đến ngày 2-7-2014 thì toàn bộ số tiền đã được chuyển vào tài khoản của Ban quản trị nhà 4F. Người dân nghĩ rằng số tiền 2% công ty nắm giữ trong nhiều năm và phải trả lãi trong từng đó thời gian là không đúng”.

Những tranh cãi này hiện vẫn chưa có hồi kết và tới đây UBND phường Yên Hòa sẽ mời các bên liên quan lên làm việc để thống nhất phương án bàn giao quản lý tòa nhà cũng như giải đáp tất cả các kiến nghị của người dân. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.