Chủ tịch Quốc hội: Trong tài chính đất đai, khó nhất là định giá đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9-6, liên quan đến vấn đề giá đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai và trong tài chính đất đai khó nhất là định giá đất.

Cần quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 18 quy định phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định rõ phương pháp xác định giá đất.

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai. Và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó trong Luật này phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội dẫn nghị quyết cho TP.HCM áp dụng thí điểm lần này, một trong những điểm quan trọng nhất là Thành phố kiên trì đề xuất vẫn thí điểm phương pháp hệ số K, bởi phương pháp này minh bạch và dễ làm. Với hệ số K sẽ giải quyết được vấn đề giá đất giáp ranh.

Cùng tham gia thảo luận về giá đất, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh trong Luật phải đưa ra công cụ, phương thức nhất quán để tính giá.

Theo đại biểu, có một mối liên hệ giữa khảo sát đánh giá các khu vực có giá đất phức tạp với bảng giá đất. Trường hợp có giá vượt trội hơn xử lý thế nào thì trong Luật chưa có lời giải cho vấn đề này.

“Ví dụ tại một địa điểm khảo sát, đánh giá có giá trị đất cao hơn trong bảng giá đất thì phương án xử lý thế nào? Tôi nghĩ rằng cần phải có một công cụ, phương pháp cụ thể”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu vấn đề.

Lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thực chất

Về vấn đề lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần quy định thế nào cho thực chất, tránh lấy cho có.

“Nếu như không đạt được tỷ lệ 100% đồng ý thì bao nhiêu % có thể ra được quyết định. Trong trường hợp người dân không đồng ý thì thì trường hợp nào xác định là đồng thuận và không đồng thuận?…”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh phải quy định rõ vấn đề này.

Ngoài ra, nếu trường hợp ý kiến của nhân dân không đồng thuận với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì cơ quan thẩm quyền có xem xét sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không? Sửa đổi toàn bộ, hay sửa đổi một phần? Trong trường hợp bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào?

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nếu không quy định cụ thể thì tính khả thi rất thấp, rất khó cho những người điều hành ở dưới.

“Cải tạo chung cư cũ mà cứ đòi 100% đồng thuận như Hà Nội thì không bao giờ làm được. Lấy ý kiến quy hoạch phải thực chất”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề nếu không quy định kỹ sẽ rất khó vận hành và nếu vận hành thì chưa biết “chẳng phải đầu lại phải tai”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều khó tránh khỏi, tất yếu. Do đó cần bổ sung quy định, nguyên tắc của việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, nên quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện rà soát việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi không cần thiết, tuỳ tiện. Bổ sung chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới để đảm bảo tính răn đe.