ĐBQH: Cần bổ sung quỹ đất xây dựng trung tâm dưỡng lão cho người cao tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng 9-6 , Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải bổ sung quy định về quỹ đất xây dựng trung tâm dưỡng lão dành cho người cao tuổi.

Theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, hiện số người cao tuổi đang có xu hướng gia tăng, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, trại dưỡng lão nhưng vướng về quỹ đất.

Đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến đất đai tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khi điều 216 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến nội dung đất sử dụng đa mục đích.

Đại biểu kiến nghị nếu tăng thêm mục đích sử dụng đất thì phải tăng thêm tiền thuế sử dụng đất. Ngược lại nếu giảm mục đích sử dụng đất của người dân trong các khu di tích, danh lam thắng cảnh theo quy định thì phải giảm tiền thuế sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền lợi và công bằng cho người dân.

Đại biểu lấy ví dụ đất ở của người dân, trước khi các di sản văn hóa, lịch sử được công nhận, xếp hạng thì người dân có thể sửa chữa hoặc xây cao tầng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi các di tích lịch sử, văn hóa này được xếp hạng thì mục đích sử dụng đất của người dân bị hạn chế. Vì thế, đại biểu kiến nghị dự thảo luật cần thiết kế, bởi khi tặng thêm mục đích hoặc giảm mục đích sử dụng của đất đa mục đích thì cần tính toán kỹ để bảo đảm quyền lợi cho người dân, tạo sự công bằng trong sử dụng đất.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đã rất công phu nghiêm túc, giành nhiều thời gian để lấy ý kiến và đã tiếp thu chỉnh sửa dự án luật nhiều lần.

Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Đề nghị có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách. Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định.

Đại biểu cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn.

Về quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập, Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 35 theo hướng đơn vị sự nghiệp công lập khi thuê đất không được bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, không được thế chấp tài sản gắn liền với đất; khi sử dụng kết hợp vào mục đích khác hoặc liên doanh liên kết thì nên được thực hiện trong thời gian tối đa là 10 năm, sau 5 năm thì xem xét tính hiệu quả của hợp tác để tiếp tục kéo dài 10 năm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đối tác hợp tác.