Chủ chó hành hung người cha bảo vệ con sẽ bị phạt tiền hay xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ chủ chó hành hung người cha bảo vệ con gây thương tích làm dậy sóng mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành chủ vật nuôi có hành vi bạo lực sẽ bị phạt hành chính hay xử lý hình sự?

Ít ngày trước, anh N.H.D (34 tuổi) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy của chung cư Q7 Saigon Riverside, TP.HCM thì có một con chó không đeo rọ mõm, không có dây xích và không có người dắt tiến sát con trai anh.

Thấy con tỏ ra sợ hãi, anh D đã dùng chân gạt con chó ra thì bị Đ.T.V (28 tuổi, ở cùng chung cư) chạy lại đánh vào mặt. Hậu quả là anh D đã bị thương mí mắt trái, chấn thương mặt, mắt trái, gò má trái, phần mềm ngực trái, vỡ răng cửa hàm dưới trái.

Tại cơ quan công an, V đã xin lỗi nạn nhân, thừa nhận đánh anh D vì xót con chó của mình. Lực lượng chức năng đang xác minh, làm rõ vụ việc.

Hình ảnh chủ chó hành hung người cha bảo vệ con gây bức xúc trong dư luận

Hình ảnh chủ chó hành hung người cha bảo vệ con gây bức xúc trong dư luận

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo BLHS 2015, việc xử lý vụ việc phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.

Nếu người đàn ông bị thương tích có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích, đồng thời kết quả giám định thương tích cho thấy có tỷ lệ thương tích, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý chủ chó về tội Cố ý gây thương tích.

Theo Điều 134 BLHS, với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ, chủ chó có hành bạo lực với người cha bảo vệ con có thể đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.

Ngoài ra, cá nhân này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân, gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ bản.

Trường hợp người bị hại không có đơn đề nghị xử lý hoặc rút đơn, cơ quan chức năng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi do đã thả rông vật nuôi và hành hung gây thương tích đối với người khác.

Theo đó, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt hành chính với số tiền từ 5-8 triệu đồng.

Về việc quản lý vậy nuôi, pháp luật hiện hành đã quy định, người nuôi chó phải xích, nhốt, giữ trong khuôn viên của gia đình mình. Trường hợp đưa chó ra khỏi khuôn viên của gia đình phải đeo rọ mõm hoặc xích có người dắt, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Hành vi đưa chó ra nơi công cộng không rọ mõm chó, không có dây xích và không có người dắt đã vi phạm quy định về vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ - CP với mức phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Nếu con chó cắn cháu bé gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, lúc này người chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người, theo Điều 295 BLHS.

‘Dù sau khi sự việc xảy ra, chủ chó đã tỏ ra hối lỗi, xin lỗi bị hại, song do hành vi của đối tượng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của nạn nhân, mà còn diễn ra ngay trước mặt cháu bé là điều không thể chấp nhận được. Do đó, cần có chế tài xử lý phù hợp để răn đe’ - luật sư Hồng Vân nêu quan điểm.