“Chốt” phương án tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ở TP. HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quốc hội đã chính thức thông qua nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. HCM, từ phân bổ vốn đầu tư công, tài chính ngân sách đến tổ chức bộ máy…
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. HCM

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. HCM

Chiều 24-6, với 481/484 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 97,37%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Nghị quyết này trước khi các ĐBQH biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có nhiều ý kiến ĐBQH còn băn khoăn về phân bổ và bố trí vốn đầu tư công.

Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung cho phép TP. HCM được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án đầu tư công mới, vì việc sử dụng nguồn thu này đã được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và Luật Đầu tư công.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho phép không quy định nội dung này tại Dự thảo Nghị quyết.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tạo sự chủ động cho TP. HCM trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỷ đồng trở lên, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định tại Dự thảo Nghị quyết giao HĐND TP. HCM quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu tại Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu tại Quốc hội

Về tổ chức bộ máy của TP. HCM, UBTVQH cho biết, theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, TP. HCM còn 3 huyện (Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè) là huyện loại 2, được bố trí 2 Phó Chủ tịch UBND huyện và 48 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 dân trở lên là phường, xã, thị trấn loại 1, được bố trí 2 Phó UBND phường, xã, thị trấn.

Tuy nhiên, trong thực tế, quản lý Nhà nước tại 3 huyện và 48 phường, xã, thị trấn, số lượng 2 Phó Chủ tịch UBND huyện, 2 Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện.

Do đó, để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên.

Về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức, có ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù, vượt trội của thành phố Thủ Đức chưa được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết, không rõ vai trò của UBND thành phố Thủ Đức. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chính sách thực sự nổi trội để thành phố Thủ Đức phát triển hơn nữa trong thời gian thích hợp.

Về tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành, có ý kiến đề nghị không xác định thời hạn cụ thể thời gian thí điểm. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định theo hướng không quy định thời gian thực hiện thí điểm mà giao Chính phủ sơ kết 3 năm, tổng kết 5 thực hiện để Quốc hội xem xét, quyết định.