Cử tri Hà Nội đề nghị có cơ chế chính sách đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ vướng mắc, tồn tại liên quan đến đất đai kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, sát thực tiễn, đảm bảo khả thi trước khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có cơ chế chính sách đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại liên quan đến đất đai kéo dài. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV. Báo cáo tóm lược 53 nhóm ý kiến của cử tri Thủ đô về các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Nhiều vấn đề liên quan đến các dự án, quy hoạch hạ tầng giao thông được đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổng hợp báo cáo Quốc hội trước kỳ họp thứ 5

Nhiều vấn đề liên quan đến các dự án, quy hoạch hạ tầng giao thông được đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổng hợp báo cáo Quốc hội trước kỳ họp thứ 5

Tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước

Theo đó, cử tri Hà Nội bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, đã có nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh khó khăn của giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Luật của Quốc hội, cử tri đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thể hiện sự dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, nhằm thu nhận được nhiều ý kiến trí tuệ, tâm huyết để Dự thảo Luật sớm được thông qua, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, đồng thời góp phần quản lý, khai thác tiềm năng đất đai một cách hiệu quả, đảm bảo công bằng xã hội, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước bền vững.

Tuy nhiên, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, sát thực tiễn, đảm bảo khả thi trước khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có cơ chế chính sách đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại liên quan đến đất đai kéo dài. Đồng thời, cử tri đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tập trung các quy định về quản lý Nhà nước đối với các nội dung về đất đai như: Quy hoạch, kế hoạch, xác định các loại đất, quản lý có tính chất hành chính, điều tiết về đất đai... về các nội dung liên quan đến giao dịch trên thị trường thì do các luật chuyên ngành quy định.

Về nội dung giám sát, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát tổng thể việc thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng như: Dự án đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… để tránh xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Khắc phục tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí kéo dài nhiều năm

Đối với một số vấn đề về giao thông, cùng với việc kiến nghị Bộ GTVT quan tâm hơn đến công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, có quy hoạch tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phân tích dự báo tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông để có giải pháp xử lý ùn tắc giao thông, cử tri đề nghị nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đăng kiểm xe cơ giới. Đồng thời làm rõ trách nhiệm trong các sai phạm về công tác đăng kiểm...

Cùng với đó, cử tri cũng kiến nghị một số nội dung cụ thể. Theo đó, cử tri Hà Nội đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ làm đường gom đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh (Quốc lộ 1 mới); nghiên cứu giải pháp mở rộng cầu chui, xây dựng cầu vượt để kết nối giao thông phía Đông và phía Tây của huyện Phú Xuyên. Đồng thời, kiến nghị cải tạo, nâng cấp hệ thống đường gom hai bên đường cao tốc đoạn thuộc địa phận huyện Phú Xuyên, bổ sung toàn bộ hệ thống gương cầu lồi để đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao với hầm chui, lắp đặt toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng tuyến đường này...

Cử tri đề nghị Bộ GTVT quan tâm nâng cấp, sửa chữa 2 bên đường gom tuyến đại lộ Thăng Long bị xuống cấp, lún và cầu chui số 20, số 21… thiết kế không phù hợp, vào mùa mưa nước sông Tích dâng cao bị ngập úng, gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển và mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Bộ GTVT quan tâm mở các tuyến đường giao thông kết nối từ huyện Mỹ Đức, Hà Nội với các vùng, các tỉnh, thành phố lân cận để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Đối với vấn đề quy hoạch, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó bổ sung nội dung điều chỉnh ranh giới phát triển đô thị toàn bộ địa giới hành chính và xem xét điều chỉnh các nội dung cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị Quốc hội ban hành những chính sách mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và dự án Đại học Quốc gia, khắc phục tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí kéo dài nhiều năm...

Mong muốn có các giải pháp tổng thể kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng

Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng khi thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” cần nghiên cứu, lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp, tránh các địa điểm quá đông dân cư, hạ tầng giao thông đã quá tải; xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng mua đi bán lại trục lợi. Song song việc xây nhà mới, rà soát kỹ các khu nhà xã hội, nhà thương mại, các khu biệt thự cũ để cải tạo, bố trí cho phù hợp; đôn đốc việc sửa chữa các chung cư cũ, tránh tình trạng các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các khu nhà mới. Cùng với đó, cử tri đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu hướng dẫn việc xây dựng giá bán nhà ở xã hội theo hướng để người có thu nhập thấp và sinh viên có cơ hội được thụ hưởng.

Ngoài những vấn đề nêu trên, cử tri Hà Nội băn khoăn trước tình hình lạm phát, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị giải thể vì thiếu đơn đặt hàng, sản xuất cầm chừng, thị trường lao động phục hồi chậm, một bộ phận người lao động gặp khó khăn, thiếu việc làm. Cử tri mong muốn có các giải pháp tổng thể kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng. Cùng đó, vẫn còn tình trạng mất an toàn cho người dân như: Cháy nổ, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em, đuối nước... Cử tri kiến nghị Nhà nước có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện, hành vi lừa đảo, tín dụng “đen” qua công nghệ số; có giải pháp, lộ trình cụ thể trong việc làm giảm thiểu ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ...