Chống tham nhũng, tiêu cực không có phép màu nào cả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó biểu hiện thứ 7 được chỉ ra là: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. Như vậy, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực, mà cụ thể ở đây là những tiêu cực trong suy thoái về tư tưởng chính trị và một phần lớn từ suy thoái về đạo đức, lối sống. An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) xung quanh vấn đề này.

* Bằng mọi cách phải loại bỏ tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta mà còn cung cấp những cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người không chỉ “bắt đúng bệnh”, đưa ra đúng “phác đồ điều trị”, mà còn “kê các phương thuốc” đặc trị “chứng bệnh tham nhũng, tiêu cực” của cán bộ, đảng viên

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta mà còn cung cấp những cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người không chỉ “bắt đúng bệnh”, đưa ra đúng “phác đồ điều trị”, mà còn “kê các phương thuốc” đặc trị “chứng bệnh tham nhũng, tiêu cực” của cán bộ, đảng viên

Không có hành vi tiêu cực sẽ không có tham nhũng

- Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, ngày 10-9-2021, Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, vấn đề này cũng được đông đảo các đại biểu và dư luận rất quan tâm. Từ thời điểm đó đến nay đã 2 năm trôi qua, Thiếu tướng đánh giá thế nào khi chúng ta bổ sung thêm cụm từ “tiêu cực” vào công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay?

- Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an): Về khoa học, khái niệm tiêu cực và tham nhũng là 2 phạm trù khác nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể nói, không có một hành vi tham nhũng nào là không tiêu cực cả. Đã tham nhũng là tiêu cực, nhưng ngược lại, không phải hành vi tiêu cực nào cũng là tham nhũng. Tiêu cực là nội hàm bao trùm rất rộng, có tiêu cực là tham nhũng, có tiêu cực không phải là tham nhũng. Nói chung, tiêu cực là bước khởi đầu, có quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa thêm thuật ngữ “phòng, chống tiêu cực” và “phòng, chống tham nhũng” là vì thế.

Kết luận lại, tiêu cực là mức độ thấp hơn của tham nhũng, là cơ sở, là điều kiện để phát sinh tệ nạn tham nhũng. Trước đây chúng ta chỉ quan tâm với việc phòng, chống tham nhũng, nhưng lại bỏ tiêu cực ra ngoài. Đây là phát hiện, nhận thức mới của Đảng. Dưới góc độ pháp luật, tiêu cực chưa phải là tội phạm, không phải mọi hành vi tiêu cực đều là tội phạm, tiêu cực đến một mức độ nào đó thì mới đủ cấu thành tội phạm. Khi nhận thức được đầy đủ, tên gọi được bổ sung đầy đủ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” nhằm mục đích muốn chống tiêu cực là gốc rễ, song song với chống tham nhũng. Bởi nếu không có hành vi tiêu cực sẽ không có tham nhũng.

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát hiện mới, nhận thức mới thể hiện rõ quyết tâm phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Tức là phạm vi, đối tượng được mở rộng, hành vi cần phải phòng, chống được mở rộng ra. Điều đó khiến cho công cuộc phòng, chống này toàn diện, đúng đắn, đầy đủ, đảm bảo tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phủ khắp tất cả, hướng tới đích xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an)

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an)

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng

- Nói như vậy nghĩa là, trước thực tiễn nhiều năm phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, đến nay bằng việc chống tiêu cực, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề từ tận gốc rễ phải không, thưa Thiếu tướng?

- Từ thực tiễn nay chúng ta khái quát thành lý luận. Tôi dẫn chứng lại một ví dụ đã cũ như trường hợp của ông Đinh La Thăng, hành vi tiêu cực xuất hiện trong rất nhiều năm, nhưng thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra được, để tiêu cực kéo dài. Hay như ở Đà Nẵng, trong nhiều năm, cả Chủ tịch thành phố, Phó Chủ tịch thành phố, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở... đều có vấn đề. Nếu chúng ta quyết liệt phòng, chống tiêu cực ngay từ đầu chắc sẽ không có những “đại án” sau đó. Nhận thức của Đảng ta từ thực tiễn đã khái quát thành lý luận.

Nếu như quan niệm tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn tha hóa đạo đức để làm những việc bất chính nhằm biến tài sản Nhà nước, tài sản của nhân dân thành của riêng (hoặc của một nhóm lợi ích), thì tiêu cực là một hiện tượng phổ biến và kể cả những người không có chức vụ cũng có thể tiêu cực, đặc biệt là họ sẽ suy thoái về tư tưởng chính trị. Từ tiêu cực trong suy thoái về tư tưởng chính trị, nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời rất dễ dẫn tới tha hóa đạo đức, lối sống...

Ngày 10-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” đã chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng. Đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.

Ngày 16-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25-12-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ (gọi chung 2 loại vụ án, vụ việc này là vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm) với nguyên tắc Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phải diệt tận gốc rễ, cả phòng, cả chống tham nhũng lẫn tiêu cực

- Có ý kiến cho rằng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải là đợi đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của chúng ta phạm tội thì đem ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật mà cần phải ngăn chặn từ xa, đó có phải là điều mà Thiếu tướng muốn diễn giải, đề cập ở trên?

- Chính xác! Chống tham nhũng, tiêu cực để làm nổi bật phòng ngừa. Tôi nói ví dụ như trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Nếu ta phòng cháy tốt thì chữa cháy sẽ giảm, thậm chí ta không bị mất nhân lực, vật lực để đi chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực chất theo khoa học pháp lý, tội phạm học chính là công tác phòng ngừa để triệt tiêu tất cả tiêu cực. Giai đoạn đầu là phòng ngừa, nếu phòng ngừa tốt sẽ không dẫn đến nhiều vụ đại án đến vậy.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, sự thật là sai phạm không phải mới xuất hiện ngày hôm qua. Nếu công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nội bộ, công tác Đảng, công tác quản lý cán bộ… được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ thì có lẽ không dẫn đến sai phạm của một số lượng lớn cán bộ đến vậy. Đó là điều rất đau xót! Tất cả sai phạm đều có quá trình, tất cả đã diễn ra trong một thời gian dài chứ không phải tội phạm mang tính tình huống.

Giai đoạn phòng ngừa ban đầu chúng ta đã làm không thành công, đến khi chuyển đổi hành vi cấu thành tội phạm chúng ta mới xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, là phải diệt tận gốc rễ, cả phòng, cả chống tham nhũng lẫn tiêu cực, bằng mọi cách loại bỏ bằng được tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền. Quyết tâm này được đông đảo nhân dân ủng hộ, nó phản ánh đúng yêu cầu thực tế của Đảng viên, người dân, đó là: Phòng từ gốc, chống đến cùng. Bởi không thể có tội phạm tham nhũng xuất hiện sau 1 ngày, sau 1 tháng, sau 1 năm, mà nó phải được kéo dài 5-7 năm, thậm chí hàng chục năm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô (Ảnh: Nguyễn Tuấn Dũng)

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô (Ảnh: Nguyễn Tuấn Dũng)

Càng công khai, càng minh bạch thì càng không thể tham nhũng, tiêu cực

- Trên thực tế một cá nhân rất khó để tham nhũng, thường tham nhũng phải có hệ thống, có “một hay nhiều nhóm lợi ích”. Để chống “một nhóm hoặc nhiều nhóm lợi ích” đó, không đơn giản chỉ cần thêm 2 chữ “tiêu cực” vào tên của Ban Chỉ đạo là đủ. Chúng ta còn rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi luật, cơ chế, và cả những sự điều chỉnh khác để công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao, có phải vậy không thưa Thiếu tướng?

- Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quyết sách của Đảng, nhưng trách nhiệm thực hiện trước hết lại là của Nhà nước. Và chắc chắn khi thực hiện thì phải vận dụng cả một hệ thống luật pháp. Muốn phòng, chống tiêu cực - giai đoạn đầu của tham nhũng - thì phải sửa luật: Luật Tổ chức Nhà nước; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp...

Bây giờ tôi đặt vấn đề thế này, các vị Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch quận/huyện, Chủ tịch phường/xã trong 1 năm phải tiếp dân mấy lần? Như tôi nghĩ, nếu không ủy quyền, họ phải dành ít nhất 1 ngày/tháng để tiếp dân, đối thoại với dân. Chúng ta cần phải làm, quyết liệt làm, gần dân, sát dân, giáp mặt với dân bởi chính nhân dân là người giám sát, phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Tiếp nữa, phải yêu cầu công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của cơ quan công quyền, hãy để hoạt động của cơ quan công quyền minh bạch “dưới ánh sáng mặt trời”.

Thế giới 5.000 năm trước và 5.000 năm sau, người ta chỉ có thể ăn vụng trong bóng tối chứ không ai ăn vụng dưới ánh đèn neon cả. Chống tham nhũng, tiêu cực không có phép màu nào cả, càng công khai, càng minh bạch thì người ta càng không thể tham nhũng. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo cho người dân có quyền chất vấn, xây dựng cơ chế cho người dân giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp Nhà nước. Thực tế người dân gặp Chủ tịch phường/xã đã khó chứ cần gì nói đến Chủ tịch quận hay Chủ tịch tỉnh/thành phố. Chúng ta thấy rõ đấy, chỉ thêm 2 chữ “tiêu cực” trong Nghị quyết mà làm rung chuyển hệ thống luật pháp. Cái khó nhất trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phát hiện tham nhũng, tiêu cực.

“Không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”, phải làm gương, phải xử nghiêm

- Thiếu tướng vừa nói đến sự “minh bạch dưới ánh sáng mặt trời”, phải chăng chính là chống tham nhũng, tiêu cực cần bắt đầu tư việc kiểm soát quyền lực?

- Hãy để cơ quan công quyền hoạt động “dưới ánh sáng mặt trời”. Báo chí truyền thông vào cuộc tuyên truyền cho người dân biết, đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hệ thống pháp luật. Quyết tâm chính trị là phải làm ngay, chúng ta đã thay đổi nhưng phải có đột phá.

Đặc biệt là đề cao tính gương mẫu được thể hiện tại Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Người đứng đầu phải là người thực hành nêu gương đầu tiên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”. Tất cả cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nêu gương không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là lời nói, mà người đứng đầu phải nói đi đôi với làm. Sự gương mẫu trong lời nói và hành động của người đứng đầu là mệnh lệnh không lời để thuyết phục cấp dưới noi theo. Nói đi đôi với làm không chỉ thể hiện bằng kết quả công việc (thước đo sự cống hiến của mỗi người) với những sản phẩm cụ thể mà còn là biểu hiện của sự gương mẫu, tính trung thực, sự trong sáng của người đứng đầu. Chúng ta có quyết liệt, đột phá được thể hiện ở điểm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”, phải làm gương, phải xử nghiêm. Chúng ta chống rất thành công, giờ phải quyết liệt phòng. Muốn vậy, phải tập trung vào 2 khâu, cũng chính là 2 biện pháp quan trọng nhất.

Đối với Đảng:

- Thứ nhất, khâu có ý nghĩa đầu tiên, quan trọng, quyết định nhất là giám sát quyền lực, không giám sát quyền lực sẽ dẫn đến tha hóa, không có ngoại lệ.

- Thứ hai, minh bạch, công khai trong công tác cán bộ. Nếu chúng ta làm được 2 việc này, chắc chắn tham nhũng, tiêu cực sẽ giảm hẳn.

Đối với Nhà nước:

- Thứ nhất, nhất định phải sửa hệ thống luật pháp, cần thiết phải sửa cả Hiến pháp với mục đích làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của cá nhân, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thứ hai, phải công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan Nhà nước để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.

- Thứ ba, Nhà nước phải có quy chế, hoặc sửa luật pháp, có điều luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính từ Chủ tịch phường/xã đến những cấp cao hơn phải dành thời gian tiếp dân theo quy định. Và phải quy định cấp trưởng, không ủy quyền cho cấp dưới.

- Thứ tư, cần có cơ chế để người dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cương về cuộc trao đổi này!

Hãy để hoạt động của cơ quan công quyền minh bạch “dưới ánh sáng mặt trời”

“Phải yêu cầu công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của cơ quan công quyền, hãy để hoạt động của cơ quan công quyền minh bạch “dưới ánh sáng mặt trời”. Thế giới 5.000 năm trước và 5.000 năm sau, người ta chỉ có thể ăn vụng trong bóng tối chứ không ai ăn vụng dưới ánh đèn neon cả. Chống tham nhũng, tiêu cực không có phép màu nào cả, càng công khai, càng minh bạch thì người ta càng không thể tham nhũng. Đến thời điểm hiện tại đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, là phải diệt tận gốc rễ, cả phòng, cả chống tham nhũng lẫn tiêu cực, bằng mọi cách loại bỏ bằng được tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền. Quyết tâm này được đông đảo nhân dân ủng hộ, nó phản ánh đúng yêu cầu thực tế của Đảng viên, người dân, đó là: Phòng từ gốc, chống đến cùng”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học - Bộ Công an)

(Còn nữa)