Chóng mặt với vàng và dầu mỏ

ANTĐ -Nền kinh tế thế giới đang do dự phục hồi sau cuộc suy thoái cũng như khủng hoảng nợ công ở châu Âu lại một phen lao đao bởi tốc độ tăng chóng mặt của cả giá vàng và giá dầu mỏ.

Giá vàng tăng nhanh do tác động từ tăng giá dầu mỏ

Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh sau khi xuất hiện thông tin Iran không cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở hạt nhân khiến cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa Tehran và IAEA thất bại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-2, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 4-2012 tại thị trường   London (Anh) tăng lên 123,07 USD/thùng, trong khi  giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng tháng tại thị trường New York (Mỹ) cũng tăng lên 106,28 USD/thùng.

Đây là lần thứ hai giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh. Trước đó, vào trung tuần tháng 2 này, giá dầu thế giới cũng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua sau khi Iran doạ ngừng xuất khẩu thứ "vàng đen" này sang Anh và Pháp, Đức để trả đũa việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ nước này.

Dù Anh và Pháp không lo ngại nhiều trước sự đe doạ của Iran vì Pháp chỉ nhập 58.000 thùng dầu mỗi ngày từ Iran tương ứng với 3% tổng lượng dầu tiêu thụ, còn Anh hầu như không nhập, song với các thành viên EU khác thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Hiện có tới 18% lượng dầu xuất khẩu của Iran là sang EU với mức tiêu thụ trên thị trường này là 750.000 thùng mỗi ngày.

Bên cạnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây, giá dầu mỏ thế giới cũng đã tăng mạnh sau khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 21-2 thông qua thỏa thuận về việc cấp gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro cho Hy Lạp. Giới đầu tư hy vọng việc Hy Lạp nhận được gói cứu trợ này sẽ giúp tháo ngòi nổ "quả bom nợ công", qua đó sẽ đẩy nhu cầu dầu mỏ tăng lên trong tương lai.

Ngoài ra, giá dầu mỏ thế giới cũng chịu tác động của các thông tin khác như lượng dự trữ dầu của Mỹ giảm xuống còn 339,08 triệu thùng hay Ngân hàng nhân dân Trung Quốc công bố ý định mở rộng đầu tư vào châu Âu... Đây đều được xem là những nhân tố nhạy cảm tới kinh tế thế giới nên cũng góp phần đẩy giá dầu thế giới tăng cao.

Những động thái chi phối thị trường dầu mỏ từ căng thẳng giữa Iran và phương Tây tới dự trữ dầu mỏ của Mỹ, Trung Quốc mở rộng làm ăn sang châu Âu... cũng tác động trực tiếp tới thị trường vàng thế giới. Chốt phiên giao dịch ngày 22-2, giá vàng thế giới vẫn duy trì đà tăng giá những ngày qua và lên tới 1.771,3 USD/ounce, mức cao nhất kể từ phiên giao dịch ngày 16-11-2011.

Ngoài lý do quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây đang xấu đi, giá vàng tăng chóng mặt còn do giới đầu tư bi quan về tính hiệu quả gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Do đó, giá vàng tại thị trường Hồng Kông mở cửa phiên giao dịch sáng 23-2 tiếp tục đi lên với mức tăng 1.779,5 USD/ounce.

Tác động của giá dầu mỏ và vàng tới nền kinh tế thế giới có thể còn mạnh hơn khi giới phân tích đưa ra dự báo giá dầu mỏ có thể còn lên tới 150 USD/thùng nếu căng thẳng giữa Iran và phương Tây tiếp tục leo thang và giá vàng có thể vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce.