Cho vay nặng lãi, xâm phạm chỗ ở "con nợ" phạm tội gì?

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Vợ chồng bạn tôi (A) và bà B có ký hợp đồng vay  số tiền 500 triệu đồng, lãi suất 5.000 đồng/ngày/ triệu trong thời hạn 1 năm. Vợ chồng A đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo khoản vay trên. Tuy nhiên, đến hạn trả, vợ chồng A không thanh toán được khoản vay trên. Trong lúc gia đình A đi vắng, bà B đã cho người đến phá khóa, hủy hoại một số tài sản có giá trị,… Không những thế, chúng còn ngang nhiên ở lại tại đó, thay khóa khác. Ngoài ra, B còn chỉ đạo xây hàng rào chắn trước cửa nhà, không cho gia đình A về nhà. Hiện nay nhà A không có chỗ ở, phải ở nhờ nhà người thân. Xin hỏi B vi phạm những quy định pháp luật nào? Trần Đình Bá (Huyện An Lão, Hải Phòng)

Cho vay nặng lãi, xâm phạm chỗ ở "con nợ" phạm tội gì? ảnh 1Luật sư, Ths: Lê Ngọc Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm.Địa chỉ: Số 4N2 Khu dự án nhà Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội). Điện thoại: 043 9931 512/ 0919 18 1972. Website:www.luatlongtam.com

Luật sư trả lời: Có thể thấy, nguyên nhân vụ việc trên xuất phát từ việc cho vay lãi suất cao của bà B, quá mức quy định lãi suất cao nhất theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Dân sự dẫn đến mất khả năng thanh toán của vợ chồng  A. 

Tuy nhiên, hai bên đã không thỏa thuận được, bà B đã dẫn đồng bọn đến phá khóa, hủy hoại một số tài sản có giá trị của gia đình A. Hành vi của B và nhóm người trên có dấu hiệu phạm tội quy định tại các điều: Điều 158, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 là “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” và “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. 

- Điều 158 quy định “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” có các tình tiết cơ bản sau:

Hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

- Điều 201 quy định “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” có các tình tiết sau: 

Hành vi cho người khác vay với thỏa thuận lãi suất cao gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất được Bộ luật Dân sự quy định. 

Cho vay nặng lãi, xâm phạm chỗ ở "con nợ" phạm tội gì? ảnh 2Hành vi cho vay nặng lãi, sau đó siết nợ theo kiểu côn đồ có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 468) thì lãi suất hợp đồng vay được xác định như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Và đối chiếu với  quy định pháp luật viện dẫn thì B có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 158, Khoản 2 Điều 201 BLHS 2015 với tổng mức hình phạt có thể lên tới 10 năm tù..

Tùy theo tính chất, hành vi, vai trò cụ thể của từng người phạm tội để Tòa án định lượng mức hình phạt tương xứng. Trước mắt, các cơ quan chức năng địa phương cần vào cuộc sớm để giúp gia đình A có chỗ ở ổn định và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật của nhóm đối tượng trên.