Chợ Hà Đông, mới hoạt động đã bị thấm, dột

(ANTĐ) - Khoảng giữa tháng 7-2008, sau khi chuyển đến kinh doanh chưa đầy một tháng, một trận mưa đã gây thấm, dột làm hư hại nhiều hàng hóa của bà con tiểu thương trong chợ. Nhưng đến trận mưa cuối tháng 10 vừa qua, nước mưa chảy tràn vào các quầy hàng gây thiệt hại không nhỏ khiến một số hộ kinh doanh vô cùng khốn đốn.

Chợ Hà Đông, mới hoạt động đã bị thấm, dột

(ANTĐ) - Khoảng giữa tháng 7-2008, sau khi chuyển đến kinh doanh chưa đầy một tháng, một trận mưa đã gây thấm, dột làm hư hại nhiều hàng hóa của bà con tiểu thương trong chợ. Nhưng đến trận mưa cuối tháng 10 vừa qua, nước mưa chảy tràn vào các quầy hàng gây thiệt hại không nhỏ khiến một số hộ kinh doanh vô cùng khốn đốn.

Chợ dột như ngoài trời!

Trên đây là phản ánh của các hộ kinh doanh tại chợ Hà Đông, thành phố Hà Đông (Hà Nội). Theo các hộ buôn bán trong chợ thì họ bắt đầu dọn vào kinh doanh được khoảng 4-5 tháng nhưng đã 2 lần bị nước mưa ngấm thẳng từ các trụ bê tông chảy xuống sàn nhà khiến nhiều mặt hàng bị hư hỏng. Một chủ cửa hàng kinh doanh vải trên tầng 2 trong chợ chỉ trụ bê tông sát trần mái than phiền: “Không hiểu sao cứ mỗi trận mưa là nước chẳng biết từ đâu ra chảy tràn vào các quầy hàng, nhất là những quầy hàng nằm dưới các trụ bê tông có rãnh nứt. Trước đây, khi mới chuyển về đã có một trận mưa làm vải vóc của tôi bị ướt gần hết. Sau lần đó, thấy Ban quản lý (BQL) chợ thông báo cho đơn vị thi công đến khắc phục nhưng đến trận mưa vừa rồi thì nhiều hộ còn bị thiệt hại nặng nề hơn, nhất là các hộ kinh doanh gạo, đồ thực phẩm khô dưới tầng 1”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên trần mái, các trụ, dầm cột bê tông chịu lực từ tầng 1 lên đến tầng 2, 3 của chợ Hà Đông xuất hiện rất nhiều vết nứt kéo dài và đa phần những vết nứt này nằm ở vị trí giữa các cột tạo thành những khe hở. Nhiều vết nứt đã ố vàng do ngấm nước lâu ngày. Có hộ kinh doanh đã phải căng sẵn nilon trên nóc các quầy hàng đề phòng khi có mưa lớn, nước mưa chảy xuống từ trần mái.

Bà Đinh Thị Dung, chủ quầy hàng gạo 327 cho biết: “Trận mưa cuối tháng 10 vừa rồi đã làm hơn 20 quầy hàng kinh doanh gạo bị nước tràn vào gây thiệt hại hàng chục tấn gạo. Buổi sáng hôm đó, tôi đến dọn hàng rất sớm và hốt hoảng thấy hàng chục bao gạo các loại trong cửa hàng đều ngập trong nước. Chúng tôi đã lập biên bản, thống kê thiệt hại gửi BQL chợ nhưng đến nay họ vẫn chưa đưa ra phương án bồi thường cho các hộ kinh doanh. Thiệt hại lớn nhất phải kể đến là quầy hàng 222 bán đồ khô, hàng chục kilôgam măng, miến, mộc nhĩ các loại không thể bán được vì bị ngâm nước suốt đêm.

Chợ Hà Đông nhìn bên ngoài rất khang trang, hiện đại .
Chợ Hà Đông nhìn bên ngoài rất khang trang, hiện đại .

Dạo một vòng quanh khu chợ điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất đó là trên tay vịn cầu thang lên xuống các tầng có một tấm biển ghi: “Không được đi tiểu vào túi nilon, cấm vứt bừa bãi”. Hỏi ra mới biết, do nhà vệ sinh ở đây thu tiền nên các hộ kinh doanh đã đi tiểu vào túi nilon rồi để trong quầy hàng đến cuối ngày vứt khắp nơi. Nhân viên dọn dẹp vệ sinh không biết cứ kéo lê những bịch nilon khiến chúng vỡ ra bốc mùi xú uế khó chịu khắp các tầng…

Do không tính toán được lượng nước mưa lớn

Về vấn đề trên, ông Bạch Văn Đấu - Trưởng BQL chợ Hà Đông cho biết: “Chợ Hà Đông được bàn giao, khai trương và đưa vào sử dụng từ tháng 6-2008. Chợ xây dựng trên diện tích 20.000m2, chia thành 2 khu:  khu A là một tòa nhà gồm 4 tầng, khu B là nơi bán hàng tươi sống. Hiện tại chợ có khoảng 1.299 hộ kinh doanh với 18 ngành hàng. Chủ đầu tư công trình này là BQLDA thành phố Hà Đông, đơn vị thi công: Công ty Vinaconex 21. Lúc mới được đưa vào sử dụng gần 1 tháng, khi trời mưa, tại chợ đã có hiện tượng thấm dột. Chúng tôi đã có công văn gửi đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu phản ánh tình trạng này.

Ngay sau đó, Công ty Vinaconex 21 đã cử nhân viên tới kiểm tra, khảo sát những điểm bị nứt, thấm dột đồng thời lên phương án khắc phục sửa chữa nên những trận mưa sau đó, việc  thấm dột  không xảy ra nữa…”.

Ông Đấu còn cho biết thêm: “Đến  ngày 31-10, khi trời mưa rất to, các trận mưa dồn dập kế tiếp nhau, khoảng sân trên tầng 3 nước không thoát kịp nên đã tràn xuống các tầng dưới gây ướt hàng hóa trong các quầy hàng. Do chợ Hà Đông vẫn đang trong thời gian bảo hành nên chúng tôi đã tiếp tục báo cáo với thành phố đồng thời đề nghị đơn vị thi công tìm biện pháp khắc phục. Đến thời điểm hiện tại, nhà thầu đã cho lắp đặt thêm 8 ống thoát nước từ tầng 3 xuống để tăng cường việc thoát nước”.

Trả lời câu hỏi: “Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc hồi cuối tháng 10?”, ông Đấu thừa nhận: “Do nhà thầu không tính toán và lường trước được những cơn mưa lớn bất thường nên nước thoát không kịp, gây tràn”. Ông Đấu cũng phủ nhận việc nước chảy  xuống các tầng dưới là do mái, trần nhà bị thấm, dột. Việc đền bù thiệt hại cho bà con kinh doanh tại chợ không phải thuộc trách nhiệm của BQL chợ.

Để đảm bảo quyền lợi của bà con kinh doanh tại chợ Hà Đông, ổn định hoạt động của chợ, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, xem xét và có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây thấm dột tại chợ, từ đó có các biện pháp sửa chữa dứt điểm. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Đông, nhà thầu thi công và BQL chợ cần sớm họp bàn và có phương án hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho bà con trong thời gian sớm nhất.

H.Linh - N.Bảo