Chỉnh sửa hóa đơn chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản có thể lĩnh án tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các vụ chỉnh sửa hóa đơn giao dịch chuyển khoản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo các luật sư, đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị tù chung thân.

Cách đây không lâu, CAP Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm của anh Dương Đức Hải (là nhân viên của một của hàng ở phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) với nội dung sau khi giao hàng là chiếc iPhone 13 Pro Max 128GB màu Gold mới nguyên hộp với giá hơn 30 triệu đồng cho khách, anh Hải nhận tiền chuyển khoản qua điện thoại.

Người khách mua hàng đã đưa cho anh Hải xem hình ảnh trên điện thoại của mình xác nhận đã chuyển khoản số tiền hơn 30 triệu đồng đến số tài khoản mang tên Le Hung Minh (tên chủ của hàng nơi anh Hải làm việc).

Sau khi để anh Hải sử dụng điện thoại chụp lại màn hình giao dịch xong đối tượng vội vàng bỏ đi. Ngay sau đó, anh Hải gọi điện thoại cho anh Minh thì được biết tài khoản của anh Minh vẫn chưa nhận được tiền. Biết mình bị lừa, anh Hải đã đến CAP Đức Giang trình báo sự việc.

Tang vật một vụ chỉnh sửa hóa đơn giao dịch chuyển khoản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Tang vật một vụ chỉnh sửa hóa đơn giao dịch chuyển khoản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Trước đó, CAP Đức Giang cũng tiếp nhận đơn trình báo của anh Nguyễn Bảo Việt (SN 1999, là nhân viên giao hàng của Công ty TNHH Táo Đen Shop ở phố Hàng Bún, quận Ba Đình.

Theo anh Việt, sau khi giao cho khách chiếc Iphone 13 Promax màu xanh bản 128GB, máy mới chưa qua sử dụng trị giá hơn 30 triệu đồng cùng gói bảo hành Apple Care trị giá 1,3 triệu đồng, người khách lấy điện thoại của mình ra giả vờ làm vài thao tác rồi đưa cho anh Việt xem hình ảnh chuyển tiền giao dịch thành công.

Do chủ quan không xem kỹ, anh Việt đã giao chiếc điện thoại cho đối tượng và nhắn tin về cho cửa hàng xem nhận được tiền chưa thì mới biết hóa đơn giao dịch chuyển khoản là giả.

Theo cơ quan công an, để qua mắt nhân viên giao hàng, sau khi nhận thông tin số tiền phải thanh toán, các đối tượng đã lên mạng tìm hình ảnh các giao dịch có sẵn rồi tải 1 hình ảnh giao dịch của ngân hàng bất kỳ, sau đó sử dụng phần mềm trên điện thoại chỉnh sửa thông tin giao dịch như địa chỉ, tên người nhận, số tiền… cho phù hợp với thông tin người bán hàng cung cấp.

Về chế tài xử lý đối với hành vi trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc các đối tượng lên mạng xã hội làm giả các hóa đơn thanh toán điện tử rồi thông qua các ứng dụng Internet banking, mobile banking của các ngân hàng để thông báo đã chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại hay cắt ghép nội dung video để lừa đảo có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, mức phạt cao nhất đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân. Để hạn chế rủi ro, trươc khi giao hàng, người dân nên chờ tin nhắn thông báo đã nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình, thay vì nhìn vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công, nhất là với những người lần đầu giao dịch. Khi phát hiện mình bị lừa cần nhanh chóng lưu giữ bằng chứng và đến cơ quan công an trình báo sự việc để được giải quyết kịp thời - Luật sư Thu khuyến cáo.