Chỉnh lương, chưa vội mừng

ANTĐ - Từ ngày 1-10, mức lương tối thiểu áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ được điều chỉnh. Vấn đề này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Mức lương mới được kỳ vọng sẽ giữ chân người lao động ở lại doanh nghiệp

Mức tăng chưa hợp lý

Nếu theo đúng lộ trình tăng lương 2008-2012 thì mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm sẽ được công bố vào 1-10 và được chính thức thực hiện từ 1-1 năm sau đó. Đối với vùng 1, mức lương sẽ được điều chỉnh lên 1,9 triệu đồng/tháng, vùng 2: 1,73 triệu đồng, vùng 3: 1,55 triệu đồng và vùng 4 là 1,4 triệu đồng.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì đây là một động thái của Nhà nước chia sẻ khó khăn với người lao động trong thời gian vật giá lên cao chứ không phải tăng lương, do mức điều chỉnh này vẫn chưa bù đắp được mức tăng của chỉ số giá. Một điểm mới trong đợt điều chỉnh lương năm nay là các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài sẽ có một mức lương tối thiểu chung. Khác với lộ trình cũ là mỗi năm trong giai đoạn 2008 - 2012, lương tối thiểu khu vực trong nước sẽ tăng từ 20 - 38% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng 13 - 15%.

Đợt điều chỉnh lương này không thể nói là “tăng lương” do thu nhập thực tế của người lao động là giảm nếu tính toán sau những biến động lớn về giá cả thời gian vừa qua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị mức tăng cao hơn là 2,2 triệu đồng cho vùng 1. Hiện tại, mức lương trả cho người lao động tại các thành phố lớn hầu như đã vượt qua mức lương tối thiểu, nhưng mức lương mới sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội. Mức tăng này thực tế chỉ là mức sàn giúp cho người lao động phổ thông cải thiện được phần nào cuộc sống, những chính sách khác như bữa ăn giữa ca, chi phí nhà ở, trông giữ trẻ cũng vẫn cần được doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ mới có thể giữ chân người lao động.

Khó và dễ

Mức điều chỉnh lần này đã được Bộ LĐ-TB&XH tính toán kỹ lưỡng, dựa trên mức tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến của năm nay và năm sau, đồng thời xem xét tình hình trả lương của các doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đón nhận thông tin về đợt điều chỉnh lương này với một tâm trạng như nhau. Nếu chia DN ra ba khối chính là khối DN nhà nước, khối FDI và khối DN dân doanh thì có thể thấy khối DN dân doanh, đặc biệt là DN dân doanh tại các vùng 2, 3, 4 với mức sàn lương thấp hơn khá nhiều so với mức điều chỉnh lần này sẽ phải chịu sức ép lớn.

Người lao động thuộc khối DN trong nước sẽ được nhiều lợi ích hơn từ đợt điều chỉnh này do mức lương của khối trước đây luôn thấp hơn khối FDI. Điều này đồng nghĩa với việc sức ép lên các DN trong nước sẽ lớn hơn, chi phí đầu vào so với doanh thu sẽ bị tăng lên nhiều hơn, khiến các DN thuộc khối này phải đối mặt với nhiều sức ép và khó khăn hơn trong thời điểm kinh tế chưa mấy thuận lợi hiện nay. Trong khi đó thì các DN thuộc khối FDI thường chỉ trả cho người lao động mức lương xấp xỉ mức tổi thiểu hoặc cao hơn một chút, vẫn là rất thấp, không đủ cho người lao động trang trải chi phí sinh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân chính của hầu hết những cuộc đình công xảy ra tại nhiều khu công nghiệp.

Cùng với đó, theo ông Phạm Minh Huân dự đoán thì việc tăng lương tối thiểu chung cho khu vực hành chính sự nghiệp có khả năng sẽ được thực hiện sớm hơn so với mốc 1 - 5 do công chức nhà nước cũng đang chịu mức lương rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Áp dụng linh động lương tối thiểu

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, ngày 12-8 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu trước lộ trình cải cách tiền lương năm nay đã được Bộ LĐ-TB&XH chính thức trình Chính phủ.

Đối với nhiều DN tại vùng 3, vùng 4 là những DN nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn sẽ không phải tăng lương tối thiểu theo dự kiến ban đầu mà có thể điều chỉnh trong khả năng của DN. Đợt điều chỉnh tăng lương tối thiểu vào tháng 10 sẽ góp phần giảm khó khăn cho đời sống của người lao động đồng thời phù hợp với kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, mức tăng này đối với những DN thuộc ngành da giầy, dệt may, chế biến… sử dụng hàng nghìn lao động phổ thông thực sự là một vấn đề, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh của DN.