Chiêm ngưỡng kho tượng “nude” nghìn tuổi

ANTĐ - Hàng nghìn pho tượng đất nung có tuổi lên đến hàng nghìn, nhưng “độc đáo” nhất là phần lớn trong số đó đều... khỏa thân. Đó là một phần kho báu “vô giá” của ông lang Nguyễn Khắc Bảo (Thành phố Bắc Ninh).
Ông Nguyễn Khắc Bảo bên gia tài hàng nghìn pho tượng đất nung của mình.
Ông Nguyễn Khắc Bảo bên gia tài hàng nghìn pho tượng đất nung của mình.

Quý vật...

Đã vài ba lần ghé hiệu thuốc gia truyền của ông giữa lòng thành phố Bắc Ninh. Mỗi lần ông lại trưng bày một pho tượng nho nhỏ trên bàn trà uống nước. Lần là pho tượng hai người nam, nữ cõng nhau như đang ở tư thế giao hoan, lần là pho tượng người có bốn mặt đủ cả hỉ, nộ, ái, ố. Những pho tượng đã phủ bụi thời gian nhưng với thuần hậu một màu nâu đất...

Nghề làm tượng đất nung đã có từ lâu trong các nghề thủ công truyền thống của người Việt. Tượng đất nung dân gian có xu hướng muốn miêu tả, mô phỏng, tái tạo hiện thực, có tính hồn nhiên, bản năng, trong sáng. Các tác phẩm đất nung hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam đều ở thời hiện đại sau này còn những pho tượng quá hồn nhiên, thô phác của ông Bảo thì hình như ngay cả những người làm công tác chuyên ngành cũng hiếm gặp ở đâu.

Ông Nguyễn Khắc Bảo cho biết, trong hơn hai nghìn pho tượng các loại, có hơn nửa là các pho tượng người Việt cổ và nó chỉ cao chừng  20 - 25cm. Pho cao nhất cũng chỉ 30 - 40cm, với đủ các trạng thái, tâm trạng biểu cảm hỉ, nộ, ái, ố khác nhau trên khuôn mặt. Nhưng tất cả đều là sản phẩm của những đường nét thô ráp, mộc mạc lộ rõ vẻ “hoang dã”, tự nhiên như mắt to, lồi, cằm nhô ra phía trước.

Điều đặc biệt là ở hầu hết các pho tượng, cơ quan sinh dục và tư thế quan hệ đều được cách điệu, phóng đại. “Sinh thực khí” của cả nam và nữ đều để lộ ra ngoài, thậm chí được tạo hình rõ nét khiến người xem không khỏi ngạc nhiên về sự “thô, mộc” của những người tạo tác. Chính vì lý do này mà ông Bảo dự đoán: chúng là sản phẩm mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ.

Khi được hỏi về nguồn gốc của những pho tượng, ông Bảo cho hay: Đa số các pho tượng này được người dân ở mạn Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), Chí Linh, Kinh Môn, Cẩm Giàng (Hải Dương) tìm được khi đào móng nhà hay lấy đất làm gạch. Cùng với những pho tượng đất nung độc đáo này, người dân còn đào được những viên gạch thời Hán trong những hầm mộ có mái vòm.

Từ đó, ông Bảo phỏng đoán, có thể đây là đồ tùy táng của những gia đình có địa vị thời xưa. Họ làm ra để chôn theo người thân, cũng như thời Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc, người ta chôn theo những pho tượng đất nung để làm kẻ hầu người hạ ở kiếp sau. “Tôi cho rằng chúng có từ rất sớm, ít nhất cũng phải trước cái thời “nam nữ thụ thụ bất thân”, trước khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của những quy chuẩn đạo đức Nho giáo”, ông Bảo cho hay. Nhưng tất cả mới chỉ là phán đoán qua kinh nghiệm của giới chơi đồ cổ chứ chưa có một giám định khoa học nào.

Dáng vẻ của các pho tượng rất thô mộc.
Dáng vẻ của các pho tượng rất thô mộc.

... tầm quý nhân

Đang là giáo viên dạy toán, ông giáo Nguyễn Khắc Bảo xin nghỉ mất sức để chăm sóc cụ thân sinh và học nghề thuốc để kế nghiệp hiệu “lang Chọi”. Việc ông lang Bảo mê truyện Kiều, am tường chữ Hán đã lan rộng khắp nơi, người dân tìm được đồ cổ có chữ Hán đều mang đến nhờ ông đọc giúp, từ tiền xu, bát đĩa, chum vại... Và cơ duyên với những pho tượng phồn thực cũng đến từ đó.

Ban đầu ông Bảo bị lôi cuốn bởi những bức tượng lạ mà những người bán rong ở Đại Bái (Gia Bình – Bắc Ninh) mang đến. “Chúng chỉ cao hơn gang tay một chút nhưng hình dáng rất kỳ lạ khiến tôi rất thích thú và tò mò”, ông Bảo nhớ lại. Ông mua lại tất cả chúng với cái giá gần như cho không. Hữu xạ tự nhiên hương, dần dần những người dân ở Hải Dương, Hải Phòng đào được gì cũng mang đến cho ông.

Sự nghiệp sưu tầm báu vật người xưa của ông lang Chọi cũng đã hơn chục năm nay. Những pho tượng kỳ quái, tưởng chừng “vô dụng” ấy được người dân mang đến cho ông để đổi lấy thuốc, hoặc lấy vài chục, vài trăm nghìn. Hôm vài pho, hôm cả chục pho, cứ thế, kho tượng nhà ông đầy lên từng ngày. Cho đến nay số tượng đất nung cũng đã lên đến hàng nghìn để võng cả mất cái giá gỗ, tràn ra cả cầu thang lên xuống.

Nhâm nhi chén trà nóng, ông tâm sự: “Người xưa có câu: nhà tư sản giàu nhất trong những nhà học giả. Nhưng nhà học giả lại giàu nhất trong những nhà tư sản. Mình nghèo tiền nhưng mình biết quý trọng những nét văn hiến cổ của người Việt”. Có khi ông phải nhịn ăn để dành tiền mua tượng, cũng có khi phải vay tiền để mua bằng được một pho tượng mà ông thích vì sợ “nếu họ không bán được đem vứt đi thì uổng lắm”. 

Ngày trước, PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, Viện Khảo cổ học trong dịp đến thăm “gia tài” của ông cũng cho rằng, nhiều cổ vật có thể có niên đại hàng nghìn năm, có ý nghĩa văn hóa - lịch sử rất lớn, cần được nghiên cứu và bảo tồn. Nhà điêu khắc, họa sĩ Anh Vũ đứng trước “các cụ” mà phải chắp tay lạy vì... kính phục. Ông xúc động nói: “Cách tạo hình “các cụ” hồn nhiên, ngộ nghĩnh lắm chứ không có gì là thô tục cả”.

Ông Bảo tâm sự rằng: Ông sưu tập những pho tượng này nếu không có niên đại hàng ngàn năm thì ít ra cũng phải vài ba trăm năm. Và ông sưu tập không phải vì tiền. Nếu vì tiền thì ông đã bán ngay khi có người hỏi mua. Ông chỉ muốn lưu lại những pho tượng cổ mà theo ông là rất có giá trị cho nền khảo cổ nước nhà. “Chúng là những sản phẩm văn hóa ẩn chứa những suy nghĩ, tín ngưỡng của người xưa. Lưu giữ chúng cũng là lưu giữ một phần di sản của cha ông”.