Chi tiêu sinh hoạt “dễ thở” hơn

ANTĐ - Đó là cảm giác của nhiều bà nội trợ trong những ngày qua bởi giá thực phẩm và nhiều loại rau xanh giảm khá mạnh so với tuần trước. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường chưa được cải thiện nhiều.

Tăng giá sẽ khiến hàng hóa ùn ứ

Giảm trung bình 30% là xu hướng của nhiều loại rau xanh hiện tại. Mồng tơi, rau dền 3.000 đồng/mớ; cải xoong, cải thảo dao động 5.000- 6.000 đồng/kg; Xu hào 1.500-3.000 đồng/củ tùy từng chợ… Chị Giang- chủ sạp rau tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Có loại rau giảm giá từng ngày. Ví dụ dưa chuột, còn 6.000 đồng/kg. Trong 3 ngày qua, mỗi ngày giảm 1.000 đồng/kg”. Có loại rau giảm đến 50% trong vòng 10 ngày qua như cà pháo, từ 25.000 đồng/kg xuống còn 12.000 đồng/kg. Giá bán buôn tại các chợ đầu mối còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó, cà chua, hành, các loại rau gia vị giữ giá ổn định. 

Một số loại thực phẩm tươi sống cũng giảm giá đáng kể. Thịt lợn giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với 10 ngày trước. Tại các chợ trung tâm, thịt nạc vai, sườn, chân giò được bán với giá 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các chợ khu vực ngoại thành, giá thấp hơn 10.000-15.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ dao động từ 75.000-85.000 đồng/kg; thịt mông 80.000-90.000 đồng/kg. Giá tôm sú loại 30-40 con/kg còn 340.000-350.000 đồng/kg, giảm từ 110.000-150.000 đồng/kg so với trước đây. Bà Mai (Tập thể Thành Công) cho hay: “Tôi đi chợ thấy tiết kiệm được 10.000-20.000 đồng/ngày cũng mừng”. 

Diễn biến giá cả trên trái ngược với nhận định trước đó của các chuyên gia kinh tế. Theo đó, nhiều dự đoán cho rằng, sang tháng 4, giá nhiều loại rau xanh, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu có xu hướng tăng do tác động của đợt tăng giá xăng dầu hồi tháng 3 vừa qua và nhiều yếu tố đầu vào khác. Nguyên nhân của đợt hạ giá này được xác định do yếu tố mùa vụ và dịch bệnh. Ví như với rau xanh, một số loại rau: cải bắp, các loại rau cải, xu hào… buộc phải hạ giá vì đã hết mùa, rau không còn tươi ngon. Ở các vùng nông thôn, các loại rau này hiếm người mua khiến giá xuống thấp. Trong khi đó, một số loại như: rau dền, mồng tơi, dưa chuột… lại bước vào chính vụ, nguồn cung dồi dào, giá không biến động. Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá giảm một phần do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.  

Giá giảm khá mạnh nhưng sức mua của người tiêu dùng không tăng là tình trạng chung trên thị trường hàng tiêu dùng hiện nay. Chị Liên - chủ quầy thịt lợn tại chợ cóc trên phố Vũ Thạnh cho hay: “Hiện giờ tôi chỉ dám nhập 3-4 chục kg thịt/ngày, giảm 50% lượng hàng so với trước đây, song có hôm vẫn ế ẩm. Khách hàng kén chọn hơn và mua với lượng ít hơn trước rất nhiều”. Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm giá của rau xanh, thực phẩm này chưa mang tính bền vững mà chỉ là diễn biến nhất thời. Có thể vì vậy mà người tiêu dùng chưa dám mở rộng hầu bao chi tiêu, sợ quá tay, đến khi các mặt hàng tiêu dùng tăng giá trở lại sẽ gặp khó khăn hơn. 

Theo khảo sát của PV ANTĐ, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đang khuyến mãi khá rầm rộ. Sài Gòn Co.op còn thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá đến 49% dành cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với tổng kinh phí là 60 tỷ đồng. Co.op Mart còn tặng khách hàng 500.000 phiếu ưu đãi mua một sản phẩm tặng một sản phẩm đối với các thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, thời trang may mặc… Siêu thị BigC giảm giá từ 5-40% cho khoảng 1.000 mặt hàng, trong đó có thực phẩm tươi sống như: rau củ quả, thủy hải sản, thịt tươi sống và thực phẩm chế biến… Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, để kích cầu, nhiều siêu thị đã phải khuyến mãi và giảm giá từ 5-50% đến hết tháng 5, chủ yếu là các ngành hàng tiêu dùng, chỉ dám tăng giá một số mặt hàng “không thể đừng được”.