Chỉ người giàu… thích rét

ANTĐ - Có lẽ sức chịu đựng của con người càng ngày cáng kém. Đủ các loại áo len dạ, áo phao nhồi nhét lông vũ, chất giữ nhiệt, sưởi ấm; rồi lò sưởi, chăn sưởi điện, dạ dày thì đầy ứ bơm sữa, thịt cá thế mà vẫn cứ kêu rét.

- Ông không nghe thông báo đây là đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất, dài nhất trong nửa thế kỷ qua à? Sau 52 năm kể từ mùa đông 1961-1962, miền Bắc mới phải co rúm chịu một đợt rét căm căm, mưa phùn rả rích dai dẳng như hiện nay. Chưa hết, một khối không khí lạnh mạnh hơn đang trên đường đổ xuống, giá rét còn tụt tiếp 2-3 độ nữa.

- Nóng mấy cũng phải chịu, rét buốt xuống thế, chứ xuống nữa cũng phải cắn răng mà chịu. Ở thành phố dù sao cũng đỡ khổ hơn thế mà người ta còn phải đốt lửa, nhóm lò sưởi. Huống hồ ở những vùng núi đá, rét buốt thấu xương, bao người già, trẻ em lấy đâu lắm quần áo như ở miền xuôi.

- Chính vì thế những ngày rét buốt này, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể đã và đang chở nhiều chuyến hàng mang áo khăn, chăn ấm và thực phẩm lên miền núi. “Một miếng khi đói”, một manh áo khi rét.

- Tôi có biết đó là phong trào mang hơi ấm lên miền núi, nhưng khổ một nỗi, những người lao động nghèo vừa phải chống chọi với cái rét dưới 10 độ vừa vẫn phải làm việc để kiếm miếng ăn.

- Thế nên dân ta thường nói “đói rét” mà. Đói bụng nên rét từ trong ruột rét ra. Cho nên người nghèo rất sợ rét, nhất là Tết mà rét thì không có gì để ăn cho ấm lòng, chẳng có gì mặc cho ấm thân.

- Suy cho cùng, chỉ có người giàu thích rét để chưng diện đồ da, lông đắt tiền; ngồi trong xế hộp ấm nóng và xơi những món ăn sinh nhiều năng lượng.

- Bởi thế theo tôi, nên dồn những người giàu có nhất lên miền núi phía Bắc tái định cư để có điều kiện “thể hiện” sự giàu có. Còn người nghèo nên tập trung xuống vùng nóng, khỏi phải lo chuyện ăn no, ăn ngon; mặc đẹp, mặc ấm.

- Đó cũng là một sáng kiến để giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và lấp dần cái hố sâu thu nhập lút đầu người.