Chỉ 5% bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời, 50% số ca diễn biến xấu, tử vong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh lý đột quỵ đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở người trên 50 tuổi. Đáng nói, chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời.
Bệnh đột quỵ gia tăng ở người sau tuổi 50

Bệnh đột quỵ gia tăng ở người sau tuổi 50

Tại buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Cẩm nang Sống khỏe sau tuổi 50” vừa diễn ra ở Hà Nội, PGS.TS Tạ Mạnh Cường cho biết, khi đến tuổi 50, quá trình lão hóa bắt đầu tăng tốc và biểu hiện rõ nét qua những triệu chứng suy giảm sức khỏe rõ rệt như: đau nhức cơ xương khớp, mệt mỏi trong người, nhức đầu, chóng mặt, trí nhớ suy giảm. Đặc biệt, các chứng về tim mạch, huyết áp, đột quỵ gia tăng…

Theo thống kê của Hội đột quỵ Việt Nam, ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong số này đến khoảng 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.

Đột quỵ có thể phòng ngừa được và nếu có xảy ra cơn đột quỵ thì có thể cấp cứu trong thời gian vàng giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm. Nhưng đáng tiếc, hiện chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời, bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị bệnh lý nguy hiểm này.

“Khi đột ngột thấy các dấu hiệu như nói khó, miệng hơi méo, nửa người yếu… thì cần nghĩ đến đột quỵ. Trong xử trí cấp cứu đột quỵ có phương châm “thời gian là não”, tức thời gian được cấp cứu càng ngắn (tốt nhất là dưới 3 giờ) thì não có cơ hội phục hồi càng nhiều. Vì thế, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ cần đặt bệnh nhân vào chỗ nằm an toàn, tìm cách chuyển bệnh nhân lên cơ sở y tế có năng lực gần nhất” – PGS.TS Tạ Mạnh Cường khuyến cáo.

Cũng tại buổi tư vấn trực tuyến, các chuyên gia cho biết, khi bước vào tuổi 50 trở đi, sự suy giảm sức khỏe còn do chế độ dinh dưỡng. Ở tuổi này nhu cầu dinh dưỡng có những thay đổi đáng kể.

Đồng thời, sự kém hấp thu thức ăn khiến người sau 50 tuổi bị thiếu hụt dưỡng chất dù vẫn ăn đủ ngày ba bữa và không giảm số lượng thức ăn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng ở người cao tuổi giảm khoảng 20-30% so với người 25 tuổi. Do đó, người cao tuổi cần phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất: chất đạm, chất béo, bột đường, nhóm vitamin và khoáng chất.