Chén trà đắng ngắt

(ANTĐ) - Cuối năm 2007, tình cờ chúng tôi biết được câu chuyện bi tráng của gia đình ông. Trong bài viết “Người cha và 3 đứa con nghiện” đăng trên Báo An ninh Thủ đô, chúng tôi đã mừng cho ông, bởi “cuộc chiến” với ma túy của ông đã thành công. Vậy mà lần này, chúng tôi ngồi chết lặng khi nghe ông nói những lời thật xót xa.
Không thể diễn tả hết nỗi đau của ông Nguyễn Tiến Thành
Không thể diễn tả hết nỗi đau của ông Nguyễn Tiến Thành

Nhưng đôi mắt ông thâm quầng, khóe mắt cạn khô không khóc nổi. Ông là Nguyễn Tiến Thành, thôn Trung Hòa, xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Lần trước, chứng kiến cảnh người con trai thứ 2 Nguyễn Tiến Hùng đã hết nghiện và chăm chỉ làm lụng giúp bố mẹ, chăm sóc vợ con, chúng tôi hồ hởi chúc mừng ông.

Chúng tôi cũng tin và hy vọng một ngày nào đó, việc cai nghiện cho người con cả Nguyễn Tiến Sơn, cũng thành công, để anh không còn bị nhốt sau song sắt, được ra ngoài, hòa nhập cộng đồng.

Bởi thế, khi nghe tin ông đã mở khóa để Sơn ra ngoài, chúng tôi quyết định ghé thăm để chung vui với gia đình ông. Thật không ngờ, việc ông tháo khóa cửa sắt để Sơn ra ngoài, lại khởi đầu một bi kịch mới…

Chưa kịp chúc mừng chuyện Sơn hết nghiện, thì ông Thành bất ngờ nói: “Chúng nó dính cả rồi”. Chúng tôi choáng váng nhìn nhau, rồi chợt hiểu ý của ông là cả hai người con trai còn lại đều đã dính AIDS. Chén nước trà bỗng dưng đắng ngắt và khó nuốt. Chúng tôi ngồi lặng đi, không biết nói với ông câu gì…

Trong câu chuyện, không dưới một lần ông Thành thốt lên câu hỏi xé lòng “Sao đời bất công với tôi đến vậy?”. Người con út đã qua đời vì ma túy và AIDS. Đau khổ ấy dường như đã qua đối với ông, nhưng chuyện lần này thì khác.

Ông Thành rít một hơi thuốc lào thật sâu rồi kể: “Tôi cũng từng tính đến khả năng xấu nhất này, nhưng không ngờ đó lại là sự thật. Càng không thể ngờ một số người nhất quyết nói ra thông tin ấy với con tôi”.

Nguyễn Tiến Sơn miệt mài dán phong bì kiếm sống và cai nghiện
Nguyễn Tiến Sơn miệt mài
dán phong bì kiếm sống và
cai nghiện

 “Khi họ đến lấy mẫu máu làm xét nghiệm, tôi đã đề nghị, nếu không có “chuyện gì” thì thôi. Lỡ chẳng may “bị” thì làm ơn thông báo riêng cho tôi, đừng để chúng nó biết”.

Ông Thành chiêu một ngụm trà rồi tiếp: “Vậy mà đùng một cái họ mang vào một lố thuốc, rồi động viên này nọ. Nó ngu gì mà không hiểu ra. Thế là nó phá, kiên quyết đòi ra bằng được.

Nó bảo rằng, biết còn sống được mấy ngày nữa đâu mà cai. Nó phá ghê quá nên tôi buộc lòng phải mở cửa sắt, dù biết việc cai nghiện đã sắp thành công”.

Tôi bỗng nhớ lại câu nói của ông trong lần gặp trước, rằng ông chấp nhận bị mọi người hiểu sai để kiên quyết nhốt con cai nghiện. Bởi ông hy vọng, một ngày nào đó, Sơn sẽ cai được, lấy vợ, có con rồi kế nghiệp mẹ cha. Ông bảo, “lúc ấy nó có đứng trước mộ bố mà khóc thì đã muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không”.

Giờ thì ông buộc lòng phải để Sơn ra ngoài khi “duyên nợ” với ma túy còn chưa dứt. “Không hy vọng còn có ngày nó khóc trước mộ bố nữa rồi”. Giọng ông Thành nghèn nghẹn rồi chuyển sang bức xúc: “Tôi không thể hiểu họ làm thế vì mục đích gì.

Có lẽ là vì thành tích. Nếu nói riêng cho tôi, tôi sẽ có cách để chăm sóc và kiểm soát. Đằng này họ lại động viên nó giữ gìn sức khỏe, chịu khó dùng thuốc... khiến nó hiểu ngay mình đã “dính” rồi.

Bây giờ ra ngoài, tôi không có cách gì để kiểm soát được. Lỡ nó bất mãn cố tình đi lây cho người khác thì ai chịu trách nhiệm, ai sẽ gánh cái họa này?”.

Vừa ngừng lời thì 2 đứa cháu nội của ông tíu tít chạy vào, háo hức đòi xem những tấm ảnh chúng tôi mang đến tặng. Không kịp để chúng tôi nói gì, ông tiếp luôn, giọng chùng xuống: “Cũng may là vợ, con thằng Hùng không “dính”. Nếu không thì chả biết tôi còn sống nổi hay không nữa...”.

Chúng tôi lặng lẽ rời nhà ông với biết bao suy nghĩ. Riêng, với tôi, trong hơn chục năm làm báo, tiếp xúc với biết bao số phận, nhưng chưa lần nào tôi bị ám ảnh như khi nghe chuyện của ông.

Nỗi ám ảnh của bất hạnh, nỗi đau ma túy và sự tuyệt vọng vì HIV/AIDS. Không chọn được hướng nào hơn, tôi nhớ đến hai đứa con của Hùng và thầm nghĩ, cũng may là ông vẫn còn 2 mầm xanh tràn đầy nhựa sống.