Cháy nhà phố cổ Hà thành, vì sao dễ thành thảm kịch?

ANTD.VN -Phố cổ Hà thành đã nhiều lần xảy ra cháy, với hậu quả rất nặng nề. Có nhiều nguyên nhân để gây ra hỏa hoạn tại phố cổ Hà Nội, song ý thức con người vẫn là nguyên nhân chủ đạo khởi nguồn cho những thảm kịch đau lòng.

“Bà hỏa” ở 36 phố phường

Vụ cháy ngôi nhà số 40 phố Bát Đàn khiến 1 người tử vong và một cảnh sát bị thương chiều 15-2, không còn là cảnh báo đối với những công trình hiện đang có tại khu vực 36 phố phường Hà Nội nữa.

Sở dĩ nói vậy bởi vấn đề này được cảnh báo từ lâu, và đang đè nặng lên những công trình phố cổ, đặc biệt là các công trình nhà ở phía sau những mặt tiền biển hiệu hào nhoáng.

Với kiến trúc chằng đụp đan xen cũ mới, cộng hưởng hệ thống dây dẫn điện, cáp chằng chịt như mạng nhện là tiềm ẩn về cháy, nổ bất rình rập tại đây.

Hiện trường vụ hỏa hoạn khiến 1 người tử vong chiều 15-2 tại phố Bát Đàn

Người dân phía sau của mặt tiền khu 36 phố phường Hà Nội thường chua chát rằng “phố cổ là phố khổ”. Có thể nói, vì thói quen sinh hoạt tiện lợi họ sẵn sàng chấp nhận chen chúc, chật hẹp.

Khu phố Bát Đàn nơi xảy cháy chiều 15-2, hay phố Hàng Điếu lân cận, ở phía sau mặt phố là những căn nhà nhỏ hơn chúng ta tưởng tượng. Có những hộ dân cả 2, thậm chí 3 thế hệ sinh sống trong căn phòng có tổng diện tích khoảng 20m2.

Sự quá tải về diện tích dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có sự tiềm tàng nguy cơ hỏa hoạn. Tại sao ư? Bởi vì tất cả những đồ dùng sinh hoạt từ quần áo, bếp than, bếp điện… trăm thứ phục vụ việc sinh sống của gia đình đều chất trong diện tích nhỏ bé chừng ấy mét vuông.

Điều kiện sống chật hẹp, quá tải ấy chính là cơ hội để ngọn lửa bùng phát lớn bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, chưa kể những lối đi chung, vì sự chật hẹp mà người ta tận dụng làm mọi thứ, thậm chí còn đóng một ban thờ ngay phần không gian trên lối đi lại tăm tối, mà bao quanh nó là hàng trăm thứ dễ cháy, bén lửa bủa vậy.

Lực lượng CS PCCC ứng trực tai hiện trường vụ cháy để cấp cứu nan nhân

Phân tích về nguy cơ hỏa hoạn phố cổ Hà Nội, Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1- phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “Ngoài việc người dân sống dày đặc là chuyện ý thức về an toàn PCCC. Nguy cơ hiện hữu, nhưng dường như họ không mấy quan tâm đến vấn đề này. Ngay cả trang bị cho mình 1 chiếc bình chữa cháy xách tay vài trăm nghìn cũng rất ít người làm. Để hạn chế tối đa hậu quả thiệt hại do cháy gây ra, người dân cần tự trang bị phương tiện PCCC và tốt hơn nữa là nâng cao ý thức từ những việc làm nhỏ, như tắt điện khi ra khỏi nhà, thường xuyên kiểm tra thiết bị điện và chỉ nên thắp hương khi quan sát được nén hương đó cháy đến đâu”.  

Cùng về vấn đề ý thức người dân, trong những lần tuyên truyền tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC cho bà con tổ dân phố, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, phụ trách quận Ba Đình thường nói: “Chỉ cần mỗi nhà tự trang bị cho gia đình 1 bình chữa cháy xách tay là chúng cháu đỡ vất vả và các bác đỡ bị thiệt. Cái bình chữa cháy chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng nó bảo vệ cả 1 căn nhà, thậm chí bảo vệ cả tính mạng nhiều người. Nếu như phát hiện cháy kịp thời và có bình chữa cháy, biết cách sử dụng thì sẽ không có hậu quả đáng tiếc nào”.

Một vụ cháy tại nhà dân trên phố Cầu Gỗ, khói đen nhanh chóng bao trùm khu vực

Tại sao phố cổ hay xảy cháy hơn nơi khác

Đại tá Trần Văn Vụ cho biết, công trình cũ nát, xuống cấp, hệ thống điện chằng chịt, ý thức người dân chưa cao thì khó mà kiềm tránh được hỏa hoạn. Trong kho đó, đối với khu phố cổ, hầu hết nhà chỉ ở 1 phần còn lại mặt tiền cho thuê. Vừa sinh hoạt, vừa bán hàng, lại nữa hàng hóa luôn chất cao đến trần nhà, đường đi lối lại không có, lối thoát nạn không, nên khi xảy cháy nếu có người phía trong thì chỉ còn cách chạy… lên trời.

Theo phân tích của cán bộ đội kiểm tra hướng dẫn thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 1, nhà ở làm kho chứa hàng, làm của hàng là một điển hình tại phố cổ Hà Nội. Xét theo quy định thì tiêu chuẩn này đều không đạt, và người dân nào cũng vi phạm, song tất cả là vấn đề lịch sử nên việc xử lý là quá khó mà hiện tại chỉ tuyên truyên nhắc nhở.

Sự châm chước của tình người đôi khi không phải là cách cứu giúp, mà là việc làm vô hình gây hại cho họ. Sự chuẩn tắc và quy định có thể làm mất lòng nhưng sẽ giúp nhiều người tránh được tai họa.

Quy định về an toàn PCCC đối với khu vực phố cổ đã rõ ràng. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Song hậu quả vẫn xảy ra thì trước tiên lỗi thuộc về ý thức con người và nói chính xác là do chủ nhân không tuân thủ quy định về an toàn PCCC.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, đối với một cửa hàng kinh doanh, hệ thống điện phải được đấu nối riêng biệt, không thể sử dụng chung với điện sinh hoạt gia đình. Trên thực tế, đối với những căn nhà phố cổ thì không phải vậy, người ta chỉ biết cho thuê, và điện chỉ cần lắp thêm 1 chiếc công tơ nữa, chứ không mấy khi kéo một đường dây riêng biệt để đảm bảo không bị quá tải chập cháy.

Vì thế, dù được cảnh báo, nhưng những vụ cháy vẫn xảy ra ở khu vực phố cổ, và nhanh chóng trở thành thảm kịch với nhiều người.