Chạy đua vào “Lớp ngoại giao”: Phi lý

ANTĐ - Lớp ngoại giao, không phải lớp chọn, cũng không phải là một loại lớp có trong danh mục hay được đề cập đến trong một văn bản nào của Bộ Giáo dục, cũng không được trường nào công nhận, nhưng khi nói đến cụm từ “lớp ngoại giao” thì phụ huynh nào cũng hiểu đó là một lớp học khác biệt, dành cho những học sinh mà phụ huynh có quan hệ hoặc quen biết với nhà trường hoặc được cấp trên “gửi” xuống trường. Và một điều đáng nói là học sinh lớp ngoại giao phần nhiều là học sinh trái tuyến.


Đua nhau cho con vào lớp “ngoại giao”

Dù là trái tuyến nhưng vẫn được xếp vào lớp tốt, trường tốt, cô tốt. Đó là điều nghịch lý tại các lớp gọi là lớp... ngoại giao trong trường tiểu học tại Hà Nội. Cuộc đua chạy cho con vào “lớp ngoại giao”  vẫn chưa có điểm dừng và ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Dù mệt mỏi, khổ sở nhưng nhiều phụ huynh vẫn quyết tâm tìm một chỗ cho con mình. Lý do rất đơn giản vì trong lớp ngoại giao nhà trường thường bố trí những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy và việc đầu tư cơ sở vật chất cũng được ưu ái hơn một chút.

Thời điểm này, khi cuộc đua kết thúc, các bậc cha mẹ mới thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng đã hoàn thành mục tiêu. Chị Nguyễn Lan Anh, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm chia sẻ: Choáng thật. Gia đình tôi phải vận động tất cả các mối quan hệ có thể để xin cho được một suất. Nhiều lúc cũng rất nản nhưng cuối cùng may mắn là đã vượt qua. Và cũng không ít phụ huynh cũng phải tốn tiền triệu để xin cho con được vào lớp “ngoại giao”.

 Năm ngoái, vợ chồng chị Hương, Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cũng có một cháu gái vào lớp 1. Biết trường tiểu học N.K là trường điểm của quận, chất lượng tốt nên dù trái tuyến chị cũng vẫn mong muốn con mình được học tại ngôi trường này. Gõ cửa trực tiếp phòng hiệu trưởng từ đầu tháng 5 nhưng nhận được câu từ chối vì giờ này đã xếp đủ chỗ, trường không nhận học sinh trái tuyến. Ra ngồi tâm sự với bà bán nước cổng trường thì bà bảo: Để vào trường không dưới 2.000 USD. Chị cứ chồng đủ tiền, tôi sẽ lo cho cháu được một suất. Nhiều người cũng khuyên chị nếu có quan hệ với Sở giáo dục, phòng giáo dục quận, công an phường, ủy ban nhân dân phường sẽ có thể xin được. Cuối cùng qua nhiều người trong gia đình, họ hàng chị mới tìm được một người làm tại phòng giáo dục quận có thể giúp con chị vào trường. Mặc dù cũng phải chi phí nhưng may mắn là sau 2 tháng ăn không ngon, ngủ không yên, chị cũng đạt được nguyện vọng của mình. Tuy nhiên khi con nhập học chị mới bất ngờ vì sĩ số của lớp lên tới 62, trong khi các lớp khác chỉ 50-55 học sinh. Nói chuyện với các phụ huynh khác chị mới biết rằng đây là “lớp ngoại giao”, có quan hệ với nhà trường, được ưu tiên xếp giáo viên tốt nhất. Về một góc độ nào đó cũng có thể nói đó là lớp chọn.

Các trường phủ nhận

Dù hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là những trường điểm, trường nội thành đều tồn tại lớp được hiểu ngầm là “lớp ngoại giao”. Tuy nhiên khi đem câu hỏi này đến khá nhiều trường tiểu học, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là không hề có. Dù vậy thì hiệu trưởng một số trường vẫn nói thêm là ví dụ như con giáo viên trong trường, con cán bộ phòng giáo dục quận, con cán bộ Công an phường sở tại… thì không thể không nhận dù là trái tuyến. Đó là những trường hợp không thể đừng. 

Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học N.T cũng cho rằng: Dù trường không có chủ trương nhận học sinh trái tuyến nhưng năm học nào cũng có những trường hợp từ trên ép xuống, từ các mối quan hệ khác của nhà trường nên tỉ lệ trái tuyến của trường luôn ở mức trên 30%, thậm chí có năm lên 40%. Đó là nguyên nhân khiến sĩ số lớp học đông, lên tới 50-60 em là chuyện bình thường. Để xảy ra chuyện này, tôi nghĩ lỗi phần nhiều ở phía phụ huynh. Phụ huynh dù con trái tuyến nhưng vẫn bằng mọi giá để đạt được mục đích của mình. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có quy định 100% các cháu ở lứa tuổi tiểu học đều đảm bảo được vào các trường công lập trên địa bàn. Nếu trường nào xét hết đúng tuyến rồi nhưng vẫn còn chỗ ngồi thì có thể xem xét thêm. Thế nhưng có một thực tế là nhiều khi học sinh đúng tuyến phụ huynh phải xếp hàng mua đơn, còn học sinh trái tuyến thì ngang nhiên được tuyển vào, thậm chí là vào lớp “ngoại giao”. 

Mặc dù vậy nhưng nếu như các quận, các nhà trường xét duyệt đúng, công khai, minh bạch thì sẽ không có những  chuyện chạy trường, chạy lớp, hay những suất ngoại giao của chính các cán bộ quản lý. Nhiều giáo viên, cán bộ quận, phường không hề có con vào học nhưng vẫn nhận là con cháu để xin vào và “đút túi” hàng nghìn USD.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nêu vấn đề: “Do sự bất bình đẳng giữa các trường sinh ra tình trạng này, thì địa phương phải giải quyết. Hội đồng nhân dân cũng phải bàn giải pháp để luân chuyển giáo viên như thế nào, tăng cường đầu tư cho một số trường còn yếu kém, tìm đất cho một số trường ở vị trí không thuận lợi như thế nào đó… làm sao để có nhiều trường tốt. Như vậy thì tự nhiên phụ huynh sẽ đưa con vào những trường đó thôi”.

Học sinh và phụ huynh đều… khổ

Mặc dù quy định xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở các cấp học được ban hành từ nhiều năm qua nhưng lớp chọn vẫn tồn tại gần như công khai. Ở nhiều trường, lớp chọn chính là lớp vừa để dành cho HS giỏi, vừa cho con em của những mối quan hệ “ngoại giao” nên là lớp tốt nhất của khối. Chị Nguyễn Thị Hà, có con học trường tiểu học T.V cho biết: Quay cuồng cho con vào lớp ngoại giao bằng mọi giá. Nhưng vào rồi mới biết sức ép học hành rất lớn. Sáng con học ở trường, chiều học thêm ở nhà cô, tối về lại phải làm bài tập hôm nào cũng đến 11h đêm mới xong. Thứ bảy, chủ nhật cũng đi học thêm. Nhiều lúc rất thương con nhưng các cô yêu cầu thế, cũng muốn chất lượng học sinh tốt nhất trường nên là cha mẹ, mình không thể không theo.

Học nhiều đồng nghĩa với việc… đóng góp nhiều. Vì học thêm liên tục nên tháng nào nhà chị Hà cũng phải chi từ 1-1,5 triệu tiền học thêm cho con. Chưa kể các khoản đóng góp khác cũng trội hơn các lớp bình thường. “Đâm lao phải theo lao”, dù tốn kém nhưng tất cả các gia đình đều phải chấp nhận.

Lâu nay việc tồn tại lớp ngoại giao trong trường tiểu học vẫn được nhìn nhận như là một sự bất công. Học sinh đúng tuyến thì không được vào lớp có cô dạy tốt nhất. Còn học sinh trái tuyến thì nghiễm nhiên được học lớp “chọn”. Ở cái lứa tuổi mới bắt đầu cắp sách tới trường nhưng giữa các em đã không có sự công bằng bắt nguồn từ việc chạy chọt, sắp xếp của người lớn mà ở đây là phụ huynh, ban giám hiệu… Chừng nào còn có sự ưu tiên cho con em trong ngành, ưu tiên cho những suất ngoại giao thì chừng đó còn tồn tại những bất công, nghịch lý.