Chạy ăn từng bữa để nuôi những miệng ăn ngồi không

ANTĐ - 2 tháng đầu năm nay theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nhờ quyết liệt triển khai ngay từ đầu năm, thu nội địa nếu so với cùng kỳ một vài năm gần đây tăng khá cả về tiến độ, lẫn số thu. Thu ngân sách đạt gần 130.000 tỷ đồng, so với dự toán được giao tăng 16,6%, còn so cùng kỳ 2013 cũng tăng gần 13%. 

Tuy nhiên, dù nguồn thu tăng, nhưng ở phía “đầu ra”, chi ngân sách cũng tăng  lên nhiều, đặc biệt trong cơ cấu chi thường xuyên. Số liệu của Bộ Tài chính chỉ rõ, năm nay mức chi tiêu cho bộ máy quản lý hành chính, cho các sự nghiệp kinh tế - xã hội (chi thường xuyên) đã vượt so cùng kỳ rất cao. Sau 2 tháng lũy kế chi 150.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so cùng kỳ, bằng gần 15% dự toán năm. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa thêm một con số bội chi khoảng 20.000 tỷ đồng, bằng 9% dự toán năm (224.000 tỷ đồng). 

Cuối năm ngoái, Chính phủ xin Quốc hội nâng tỷ lệ bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP nhằm tăng đầu tư, đảm bảo GDP năm 2014 ở mức không quá thấp. Nhưng chưa nói đến áp lực nợ công, nỗi lo lạm phát, và Nghị quyết Quốc hội giao ngân sách năm 2014 phải triệt để tiết kiệm thì việc chỉ 2 tháng đầu năm qua con số bội chi cho thấy cách chi tiêu và giải ngân tiền thật đáng lo ngại. Trong khi chi đầu tư cho phát triển giảm mạnh thì chi sự nghiệp, cho quản lý hành chính lại tăng quá cao. 

Ngay từ đầu năm 2014, khi Bộ Tài chính quyết liệt yêu cầu tất cả các đơn vị siết chặt chi tiêu, siết chặt mua sắm tài sản công, triệt để tiết kiệm. Nhưng thực tế kết quả lại đã không được như vậy. Điều này cho thấy việc chỉ tiêu tiền thuế của dân của các đơn vị Nhà nước chưa được quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm chi; việc thực hiện tinh giản biên chế gắn và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc chưa tốt. Bên cạnh đó, chưa cắt, giảm được kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khai trương, động thổ, khánh thành… và các khoản chi mua sắm chưa cần thiết khác. 

Dự toán đã ấn định rồi nhưng quá trình tổ chức thực hiện vẫn phát sinh những khoản chi vượt do kỷ luật tài chính còn nhiều lỏng lẻo. Nhà nước đã kêu gọi cắt giảm 10% chi thường xuyên cho bộ máy quản lý hành chính, nhưng năm nay càng tuyên bố cắt thì lại càng tăng lên, chi tiêu vung tay quá lãng phí. Trong khi sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, công chức không làm việc hiệu quả chưa thể cắt giảm, thì số công chức mới lại có dấu hiệu tăng lên thực. Nhiều nơi không chỉ sử dụng biên chế được giao mà còn hợp đồng thêm nhiều lao động ngoài biên chế có tốn kém nhưng là của… Nhà nước. 

Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, kinh tế khó khăn, ngân sách còn quá eo hẹp, nếu không sớm tiết kiệm tối đa, siết lại nguy cơ ngân sách phải đi vay nợ cho bộ máy hành chính cồng kềnh, chi mua sắm tài sản công, mua xe, tổ chức lễ hội, đi nước ngoài... sẽ không khác gì một gia đình mà suốt ngày phải đi vay tiền để ăn tiêu, sinh hoạt phung phí mà nói như TS Lê Đăng Doanh thì chẳng khác gì cảnh một gia đình chạy ăn từng bữa để nuôi những miệng ăn ngồi không. Vay để mà ăn thì bao nhiêu cho đủ? 

Bộ Tài chính cần siết lại kỷ luật chi tiêu hơn nữa, bóc tách các khoản chi vượt quy định, định mức để xử lý nghiêm. Phải sớm đẩy mạnh tinh giản sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, cắt giảm cán bộ công chức không có năng lực, làm việc không hiệu quả để việc giảm biên chế, giảm chi tiêu… không chỉ là khẩu hiệu.