Chất vấn: 40 doanh nghiệp phản ứng, Bộ trưởng nói "vẫn chưa phải đa số"

ANTĐ -Trong khoảng 1 giờ đồng hồ dành cho thời lượng chất vấn tại hội trường Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất.

Các ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu), Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) đặt nhiều câu hỏi xoay quanh phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương. Trong thời gian ít ỏi còn lại của buổi sáng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đăng đàn trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. (Ảnh: Phú Khánh)

Bộ trưởng Cao Đức Phát dành nhiều thời lượng để trả lời câu hỏi về lý do trồng rừng thay thế chậm, sự chênh lệch số liệu về diện tích trồng rừng thay thế giữa ngành NN&PTNT với Công thương. Bộ trưởng cũng trả lời khá rõ về lý do Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước đây chúng ta đã cho lưu hành 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật với trên 1.100 hoạt chất, số liệu này quá nhiều khiến bà con nông dân khó khăn trong chọn lựa thuốc để sử dụng. Hơn nữa tên thuốc, hoạt chất không phải tiếng Việt, rất khó nhớ. Do đó cần siết chặt lại, trong đó có việc siết chặt đăng ký tên thuốc để tránh gây ra tình trạng rối loạn bởi có thực trạng cùng một hoạt chất nhưng doanh nghiệp chỉ thay đổi hàm lượng này khác, thậm chí thuốc xuống cấp là đổi tên.

“Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh về thông tư này, như ĐB Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) nêu có 40 doanh nghiệp phản ánh không đồng tình với quy định của thông tư, song 40 DN chưa phải là đa số. Dù vậy chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe” – Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải.

Không hài lòng với câu trả lời này, ĐB Nguyễn Văn Tuyết chất vấn lại: “40 DN chưa phải là nhiều vậy thì xin Bộ trưởng nói rõ bao nhiêu doanh nghiệp phản ứng mới là nhiều”.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại khiến nhân dân chưa yên tâm

(Ảnh: Phú Khánh)

Trước đó, khai màn cho phần chất vấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn chỉ ra nhiều thực trạng đang tồn tại khiến cử tri, nhân dân không yên tâm như: nạn tham nhũng còn diễn biến phức tạp, trong bối cảnh đời sống nhân dân còn khó khăn thì nhiều cán bộ nhà nước lại giàu lên nhanh chóng gây ra nhiều bức xúc; vấn đề biển đảo còn nhiều lo ngại; hay vấn đề quản lý giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được giải quyết trọn vẹn; nông dân chưa yên tâm bám đồng ruộng… Đó cũng là những câu hỏi mà ĐB này đặt ra với các thành viên Chính phủ.

ĐB Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự băn khoăn rất lớn của cá nhân mà theo ông cũng là vấn đề khiến “dư luận xã hội xáo trộn tâm can” liên quan đến đề án cải cách sách giáo khoa, thay đổi cách giảng dạy và tích hợp bộ môn lịch sử của Bộ GD-ĐT. Nhấn mạnh “sai phạm về phương pháp giảng dạy sẽ dẫn đến sai sót về kiến thức, không thể khắc phục được”, ĐB này đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận làm rõ cơ sở, tính hiệu quả của phương án tích hợp môn lịch sử và đổi mới sách giáo khoa.

“Có người nói rằng đây là cuộc cách mạng trong đổi mới giáo dục, song tôi cho rằng đề đưa ra bất cứ sự hoán đổi lớn nào cũng phải có nguyên nhân, cơ sở, biện pháp phù hợp và cam kết tính hiệu quả, không thể chỉ chú trọng đến giấc mơ tích hợp mà lại quên không quan tâm đến bản chất, hiệu quả của nó” – ĐB Lê Văn Lai bình luận.

Chiều nay, các ĐBQH, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục phiên chất vấn tại hội trường Quốc hội.