Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” của nền kinh tế hiện nay, cách điều hành dường như vẫn còn chậm trễ, chưa thực sự linh hoạt, nhạy bén. Việc không đạt được một số chỉ tiêu của năm 2011, chủ yếu là do những yếu kém từ nội tại, cần có những giải pháp mạnh mẽ tạo động lực cho bộ máy quản lý. Nóng lòng trước những vấn đề bức xúc tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa được thúc đẩy cải thiện đáng kể, ông Phó Chủ nhiệm dẫn chứng. Chẳng hạn, vấn đề hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được nói quá nhiều từ Quốc hội khóa trước, cho đến nay Quốc hội mới đề xuất xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn để điều chỉnh các đối tượng trên. Hoặc vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế đã được đề cập khá nhiều nhưng đến nay chưa triển khai được là bao.
Đến thời điểm này, Chính phủ thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu là khá muộn, cho nên dường như vấn đề này đang phải xử lý một cách dồn dập, gấp gáp. Theo ông Phó Chủ nhiệm, những sự chậm trễ này dẫn đến một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch, kinh tế phát triển thiếu bền vững, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, sức cạnh tranh thấp. Hiển nhiên là có nguyên nhân chủ yếu do yếu kém nội tại của nền quản lý, hành chính của nhà nước, trong đó có sự chậm phát triển về chất lượng của bộ máy.
Thực tế, trong báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn thừa nhận những bất cập trong điều hành kinh tế - xã hội, đặc biệt có nhắc đến yếu kém từ quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cũng như Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ đánh giá như vậy, song cần nhìn nhận với một tinh thần thẳng thắn hơn, dám chịu trách nhiệm hơn. Ví như trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010) và năm 2011, mới chỉ mang tính phản ánh là chính, chưa nêu rõ việc điều hành đã đạt được và chưa đạt được những gì. Hạn chế, nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm cụ thể vì sao chưa đạt được kết quả như kế hoạch đề ra.
Phân tích sâu xa yếu kém nội tại, nhiều ý kiến chỉ rõ, môi trường thể chế đang phải đối mặt với đòi hỏi bức bách phải cải cách toàn diện hệ thống nhằm thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh đủ sức chống chọi với các “cú sốc” của nền kinh tế. Cải cách thể chế cần tập trung tuân thủ các quy luật hoạt động của thị trường hoặc ban hành các quy định giúp thị trường hoạt động tốt hơn. Giải pháp cuối cùng mới là ban hành các quy định để can thiệp, kiểm soát thị trường theo tiêu chí: Các quy định này phải mang lại lợi ích lớn hơn chi phí nhà nước và người dân đã bỏ ra. Hơn thế, cần thiết lập cơ chế kiểm soát quá trình vận động chính sách một cách minh bạch, đảm bảo cho mọi người dân hiểu được Chính phủ ban hành chính sách mới, hạn chế được sự chi phối của các nhóm lợi ích.
Cải cách thể chế không phải chỉ là cải cách hành chính mà là một cấp độ cao hơn, trong đó thay đổi cách quản lý Nhà nước, cách can thiệp của Chính phủ vào thị trường. Nhà nước không thể làm thay thị trường, chi phối thị trường quá nhiều. Nâng cao chất lượng thể chế sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.