Chấp nhận thua trong kiểm soát giá sữa?

ANTĐ - Những thông tin từ thị trường sữa cho thấy không chỉ đang có sự lúng túng trong kiểm soát giá sữa, mà giá sữa còn không thể kìm được khi thị trường sữa tiếp tục loạn giá.

Trước Tết Giáp Ngọ 2014, người tiêu dùng đã phải đón một đợt tăng giá từ hãng sữa Mead Jonhson và Abbot với mức tăng từ 6 - 10%. Sau Tết nhiều đại lý sữa cho hay đã tiếp tục nhận được thông báo tăng giá từ hãng sữa nội Vinamilk, và 5 hãng sữa khác với mức tăng từ 6% - 18%. Thời điểm áp dụng mức tăng giá thêm 7% vào ngày 1-3-2014.

Như vậy, hơn 2 tháng kể từ khi trở lại diện bình ổn giá, sữa và các sản phẩm bổ sung dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi đã có nhiều đợt điều chỉnh giá đến chóng mặt. Điều đáng nói là giá sữa tại Việt Nam chỉ tăng mà chưa khi nào giảm dù đây là mặt hàng thuộc danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Người tiêu dùng đón nhận thông tin về việc tăng giá sữa lần này với nỗi ngán ngẩm và thất vọng bởi dù đã có đầy đủ các văn bản quy phạm từ luật đến pháp lệnh, nghị định… nhưng dường như các cơ quan quản lý vẫn bất lực với giá sữa. Một bất hợp lý nữa là hiện Việt Nam có hơn 200 DN nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Theo luật lệ thương trường thì trong môi trường cạnh tranh này, các hãng sữa phải đua nhau hạ giá để thu hút người tiêu dùng song ngược lại, từ năm 2007, giá sữa vẫn liên tục tăng mà người tiêu dùng cũng không hề có sự lựa chọn nào khác. Điều này chỉ có nghĩa là giá sữa đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý “Nếu yếu tố đầu vào không thay đổi, sẽ nhất quyết không cho tăng bất luận vì lý do gì”. Giá sữa nguyên liệu đang tăng mạnh khiến các nhà sản xuất sữa trong nước lo ngại về khả năng thêm một lần nữa sữa trong nước tăng giá. Đến đầu năm 2014, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sữa trên thế giới vẫn tiếp tục tăng giá nguyên vật liệu và họ chỉ đồng ý cung cấp nguyên liệu trong ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu sữa. 

Cục Quản lý giá đang kiểm soát chi phí đầu vào của các DN để bảo đảm việc tăng giá sữa trên thị trường ở mức hợp lý, nếu việc tăng giá có tác động xấu đến thị trường sẽ công bố biện pháp bình ổn, thông qua một loạt các công cụ để điều tiết thị trường. Đó là khi việc tăng giá sữa ảnh hưởng đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và mặt bằng kinh tế - xã hội chung, cụ thể là nguồn cung và sức mua. Nhưng đợi đến bao giờ mới có xác định như vậy? 

Trong khi, theo các chuyên gia thị trường, hiện nay, việc quản lý giá sữa, đưa sữa vào danh sách mặt hàng bình ổn giá được quy định tại Thông tư 30/2013/TT - BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nội dung trong thông tư này chỉ yêu cầu các DN kê khai giá mà chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. DN dễ dàng lách bằng cách kê khai giá cao ngay từ đầu và điều chỉnh giá bán, miễn là mức tăng mỗi lần thấp hơn quy định. Chuyện minh bạch nguồn bột sữa cũng chưa ai quản lý, khi có đến 80% nguyên liệu nhập khẩu là sữa bột. Thêm vào đó, Luật Giá hiện đang cho phép các DN kinh doanh sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, nếu mỗi tháng, DN sữa tăng giá tới 2 lần vẫn không sai luật.

“Quan trọng nhất là phải kiểm soát được yếu tố đầu vào của giá nguyên liệu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải thể hiện quyền năng của mình, nếu hãng này tăng giá thì có thể chuyển sang dùng thương hiệu khác. Như vậy sẽ gây áp lực được với DN phân phối, đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường”, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra khuyến nghị như vậy. Thế thì cũng không khác gì khuyến cáo nổi tiếng mà người tiêu dùng đã phát ngán: “hãy là người tiêu dùng thông thái” vậy?.