Chăn trâu giữa chốn đô thành

ANTĐ - Đứng trên cầu Vĩnh Tuy nhìn xuống, điểm nhấn giữa màu phù sa cuộn chảy và mây trời Hà Nội những ngày đông hanh hao nắng vàng như rót mật là một dải xanh trù phú. In hằn trên bức tranh xanh mướt đó là màu xám của vài nóc nhà mái gianh, vài con đường mòn mỏng như sợi chỉ đan cài vào nhau. Ngay ở giữa lòng Hà Nội ấy đã và đang tồn tại một cuộc sống rất khác, một cuộc sống tuy giản đơn nhưng đầy hấp dẫn đối với những người thành phố, những người vốn xưa nay quen với bê tông và phố xá ồn ào.

Chăn trâu giữa chốn đô thành ảnh 1Một không gian thanh bình, khoáng đạt giữa lòng Hà Nội
Ảnh: Lê Khiếu Minh

Rau vườn nhà, gà ngoài chuồng…

Tôi được tiếp cận khái niệm “quê giữa phố” từ một đồng nghiệp. Hấp dẫn làm sao câu chuyện giữa Hà Nội có hộ gia đình nuôi đến vài trăm con trâu. “Sáng dậy sớm lùa đàn trâu ra bãi gặm cỏ, tiếng mõ trâu lóc cóc, mục đồng nằm vắt chân giữa bãi cỏ, nhẩn nha nhấm đọt cỏ non, chờ đàn trâu ăn no rồi lùa về chuồng…” - đấy, tôi cứ hình dung rất sách vở và cực kỳ lãng mạn về những người chăn trâu ở thế kỷ XXI như thế và rồi nhất quyết đòi được xuống bãi giữa xem người ta chăn trâu thế nào. Thế là mò mẫm đi. Hóa ra cũng chẳng xa xôi gì, chỉ qua cầu Long Biên, rẽ phải, đi thêm vài kilomet nữa là đến Thạch Cầu, hỏi đường ra bãi sông rồi cứ men theo con đường đất đỏ là tới. Khi tôi tìm tới được nhà ông chủ của đàn trâu kể trên cũng vừa… đúng bữa. Mâm cơm quê được bày ra mời khách, dù khách lạ mới chỉ gặp lần đầu nhưng thân tình và ấm cúng. Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến, chủ nhân của đàn trâu cũng là người bao năm nay canh tác ngoài bãi giữa, biến dải đất chỉ toàn lau lác thành vườn ổi, vườn bưởi, vườn táo bao la… xưng hô với khách lạ gần gũi như người trong nhà. 

Lại nói chuyện mâm cơm, chiếu được rải ra giữa nhà, mâm cơm bày ra toàn là món luộc, thịt ngan, thịt lợn chấm muối hạt. Vợ chồng anh Tiến luôn tay gắp cho khách, khách ăn tự nhiên vì chẳng có lý do gì để giữ ý giữa không khí này. Tất nhiên chủ nhà cũng đầy tự hào về những thứ  “của nhà làm ra” nên thi thoảng lại hỏi: “Cô ăn thấy thế nào?”. Thôi thì vừa ăn vừa nhìn ra ngoài sân, gà, ngan, ngỗng, lợn… tung tăng chạy nhảy, chí chóe tranh giành nhau hạt thóc, ngọn rau là đủ hiểu, thứ mình đang được thưởng thức kia sạch tuyệt đối, đương nhiên hương vị của nó khác xa so với miếng thịt mua ngoài chợ, đun nấu lên thi thoảng còn phảng phất mùi kháng sinh. Chị Hải vợ anh Nguyễn Văn Tiến chỉ vào đàn gia cầm đầy chật một sân bảo, không bán buôn gì mấy thứ này đâu, nuôi để gia đình lấy làm thực phẩm, rau thì trồng sẵn ngoài vườn, thi thoảng có khách thì cứ rau vườn nhà, gà ngoài chuồng, ngả ra mời khách, chứ bây giờ ra chợ mà mua thì… không ăn được đâu, họ nuôi bằng tăng trọng, ăn vào chỉ tổ hại sức khỏe… Câu nói rất thật của chị khiến chúng tôi bật cười, đúng là cuộc sống phát triển, người ta vật vã thăng quan tiến chức, vật vã kiếm tiền, bon chen sống… nhưng rồi chẳng phải cái ta cần, tốt cho ta nhất vẫn cứ là những thứ rất mộc mạc sao? 

Nhọc nhằn hành trình khai hoang

Đến bây giờ thì đường ra bãi giữa sông Hồng, đoạn gầm cầu Vĩnh Tuy đã thuận tiện hơn rất nhiều. Dù là đường đất mấp mô sống trâu, ổ gà thì xe máy, ô tô vẫn có thể vô tư đi lại chứ quãng hai mươi năm trước, muốn ra được bãi thì chỉ có cách hoặc đi thuyền, hoặc bơi nếu mùa nước lên. Mùa cạn cũng vẫn phải xắn quần mà lội. Vì thế hành trình khai hoang đất bãi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến đầy gian khó và nhọc nhằn. Cả anh và chị vốn người quận Long Biên, trước kia là huyện Gia Lâm. Chị người làng Thạch Cầu, anh làng Nha kề đó. “Đời tôi nó gian nan lắm cô ạ!”, anh Nguyễn Văn Tiến bắt đầu câu chuyện. Tuổi trẻ anh cũng đã từng có nhiều va vấp và phải trả giá bằng 16 năm cuộc đời. 

Kể chuyện với chúng tôi, anh không giấu giếm quá khứ của mình, trái lại, anh cho rằng, đó là sự sắp đặt của số phận. Chính ở nơi đó, anh đã học hỏi được nhiều điều về cuộc sống từ một người bạn cùng cải tạo người Ninh Bình mà anh trân trọng tôn làm thầy. Người đó đã chỉ cho anh cách học và hiểu chữ “Nhẫn” và một lời khuyên xương máu “Đừng tìm chỗ đông người ở, hãy tìm chỗ nào người ta sợ nhất, đặt chân ở đó là có cuộc sống…”. Rồi anh cũng tìm được một tình yêu đẹp, cô gái vì yêu anh đã dám vượt qua được tất thảy những dị nghị. Năm 1993, anh cưới vợ. Cả hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn có 10 thước ruộng, anh phải kiếm thêm với nghề lái máy cày thuê, dành được chút vốn liếng, anh quyết liều đi buôn. Hết buôn cà chua lại đến rau cải bẹ. Chuyến được, chuyến hòa, chuyến lỗ… bấp bênh vẫn hoàn bấp bênh. Rồi chẳng hiểu từ đâu, mẹ vợ anh bàn chuyện ra bãi khai hoang trồng vừng. Nhìn cái bãi mênh mông lau lách và nhớ ra lời khuyên của người bạn tù năm xưa, thế là hành trình khai hoang của anh chính thức bắt đầu. 

Đó là khoảng cuối những năm 1993. Ban đầu có thêm vài nhà trong làng cùng gia đình anh khai khẩn trồng vừng, nhưng đúng đến mùa thu hoạch thì nước lên. Mênh mông nước nhấn chìm mọi nỗ lực. Thất vọng, mọi người bỏ cuộc, còn lại mình anh kiên trì bám trụ. “Biết bao là nước mắt của tôi đã đổ xuống cho mảnh đất này…”, anh nheo đôi mắt với vô vàn những vết chân chim rồi kể tiếp: “Cô cứ hình dung thế này nhé, lau mọc ken dày đến nỗi con chó không thể lách vào được, ấy thế mà tôi với 2 con dao và đá mài có khi điên lên làm đến 2h sáng”. Hễ chỗ nào thoáng là lại cày xới trồng ngô, trồng đậu. Rồi chạy vạy vay lãi hết chỗ nọ đến chỗ kia cũng đủ tiền mua một con trâu. Có được “đầu cơ nghiệp” từ đó mà anh gây dựng được cơ ngơi của ngày hôm nay.

 Thời đó sông Hồng hàng năm lũ về đất bãi ngập cả. Ngập thì ngập nhưng vợ chồng anh vẫn cứ ở lỳ ngoài bãi chẳng chịu về làng. Nước ngập đến đâu, bó sậy kê lều cao lên đến đó. Không có tiền mua thuyền, muốn vào bờ thì chỉ có nước bơi. Những hôm nước lớn, chị Hải cứ đứng nhìn theo bóng chồng bơi qua sông, cho đến khi nghe tiếng hát bên kia, tức là anh đã an toàn, anh hát chậm giây nào, là chị lo thắt ruột giây đó vì ngộ nhỡ … Tôi hỏi đùa, anh mấy lần chết hụt rồi, anh cười lớn: “Cô hỏi gì mà buồn cười, chết hụt thì tính làm gì, chết hụt á, có mà đầy…”. Ấy thế mà nhắc lại chuyện con cái đi học, cả chị và anh đều nghẹn ngào. 2 đứa con trai, ngày nào đi học cũng mặc quần đùi lội qua sông vì quần dài còn phải vắt lên cổ, đến cổng trường mới xin nước rửa mặt, rửa chân, mặc quần dài vào lớp. Bọn trẻ thương bố mẹ vất vả, cả hai đều ngoan ngoãn học hành, và đó là niềm hạnh phúc của anh chị sau chuỗi ngày đằng đẵng những gian nan.

Mục đồng trong thành phố

Năm 1995, thực hiện chủ trương của thành phố, HTX Thạch Cầu được giao trồng thí điểm nhãn ngoài bãi sông. Gia đình anh chị cùng vài người trong làng đã trực tiếp trồng nên vườn nhãn đó. Giờ nơi này đã trở thành một trong những địa điểm mà các đôi uyên ương lựa chọn để chụp ảnh cưới, giới trẻ tổ chức dã ngoại. Nhà anh chị ở cách vườn nhãn không xa là mấy, hơn một năm trước chị Hải thôi không chăn trâu mà chuyển về làm công ăn lương, trông vườn nhãn cho nhàn. 

Lại nói về  hành trình gây dựng đàn trâu, quen với cái khổ, quen với cảnh “chợ gạo nước sông”, nên bản tính tằn tiện gần như đã ăn vào máu anh Tiến. Mát tay nuôi, trâu mẹ đẻ trâu con, cứ thế mà nhân lên ngoảnh đi ngoảnh lại đã thành đàn. Tiền nong dư ra từ bán ngô, bán đỗ, chị chỉ để dành một phần nhỏ đề phòng con cái ốm đau, còn đâu quy hết ra… trâu. Cứ lấy ngắn nuôi dài, thoắt cái, giờ vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến đã làm chủ của đàn trâu tới gần 200 con. Gần 20 năm ròng, chẳng quản thời tiết, 5h sáng là cả nhà lục tục dậy, vợ mở cửa chuồng, chồng lùa trâu. Mỗi ngày thả trâu như một hành trình việt dã, ngót nghét hai chục cây số cả đi lẫn về từ chân cầu Vĩnh Tuy men theo bãi giữa ra đến gần chân cầu Chương Dương. Cứ chỗ nào có cỏ thì thả trâu. Thời tiết thuận lợi thì còn đỡ, chứ mưa dầm gió rét hoặc nắng giữa hè thì cực nhọc trăm bề. Thế mà chị Hải cứ nói như không, rằng con nhà nông, chịu khó chịu khổ quen rồi, nhàn hạ có khi lại ốm. Đàn trâu giờ gần như lúc nào cũng thường trực có vài ba chục con trâu sắp đẻ. Mỗi sáng lùa trâu ra là đàn lại thêm vài con nghé. Cỏ bãi giữa tốt um, chả bao giờ thiếu để phải lo nguồn thức ăn. Nguồn cầu thịt trâu chả bao giờ hết, các nhà hàng, khách sạn trong phố mê trâu ở đây vì chúng chỉ ăn cỏ tự nhiên. 

Sinh năm 1959, tuổi Hợi, cái tuổi vốn xưa nay được mặc nhiên coi nhàn hạ nhưng cho đến giờ, khi đã ngoài 50 tuổi anh mới chịu cho mình ngơi tay một chút bằng cách thuê người trông nom đàn trâu để rảnh tay chăm sóc dễ đến gần nghìn gốc bưởi Diễn. Hỏi chuyện rằng, nếu mai sau đất bãi cũng nằm trong quy hoạch thì anh tính sao. Anh cười, còn tính sao nữa, Nhà nước lấy đất sử dụng thì mình phải chấp hành thôi… Nhưng đất bãi bồi thì xây dựng được gì, chắc ngày ấy còn xa.