Chăn nuôi khó khăn, thức ăn vẫn tăng giá

ANTĐ - Chăn nuôi trong nước gặp khó khăn từ đầu năm tới nay, nhưng một nghịch lý vẫn đang diễn ra, khiến nông dân bỏ chuồng trại do giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng.

Chăn nuôi khó khăn, thức ăn vẫn tăng giá  ảnh 1
Một ngành chăn nuôi phát triển không thể phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu
Bỏ chuồng, hạn chế tái đàn

Thống kê của Trung tâm thông tin nông nghiệp và PTNT cho thấy, từ đầu năm đến nay, TACN là một trong những mặt hàng có xu hướng tăng giá mạnh nhất, với tỷ lệ tăng trung bình từ 3 đến 4%/tháng. Dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ còn ít nhất khoảng 2 đợt tăng  giá nữa. Thống kê còn cho thấy, giá TACN tại Việt Nam luôn cao hơn 20% so với các nước trong khu vực. Nghịch lý ở chỗ, giá TACN đứng ở mức cao và luôn có xu hướng tăng trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Giá các loại thịt và trứng gia cầm trong tháng 8 tiếp tục giảm nhẹ so với tháng 7. Sản lượng thịt giảm khoảng 25.000 tấn so với tháng 7. Người chăn nuôi tiếp tục bỏ chuồng, hạn chế tái đàn vì lỗ vốn. Giá TACN tiếp tục tăng càng khiến các hộ chăn nuôi thêm phần khó khăn. 

Thị trường TACN Việt Nam hiện phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước. Tính toán cho thấy, với các loại nguyên liệu thô như ngô, khô dầu đậu tương… Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 60%, đặc biệt với thức ăn bổ sung, lượng nhập khẩu chiếm đến 90%. Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc - FAO dự báo, thức ăn chăn nuôi của các nước phát triển đang tăng trưởng mạnh. Như vậy, đối với Việt Nam, thời gian tới mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng giá mạnh do nguồn cung nguyên liệu trong nước thiếu hụt.

Cũng bởi vậy, trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 1,48 tỷ USD cho nguyên liệu TACN. Bộ NN&PTNT đánh giá, thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu là mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng liên quan đến nông lâm thủy sản.

Có sự thao túng thị trường

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, theo TS. Vũ Trọng Bình- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, giá TACN tăng hiện nay có thể là do việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bị một số công ty thao túng, dẫn đến độc quyền. TS. Bình cho rằng, đang có hiện tượng các doanh nghiệp khống chế, độc quyền từng dòng sản phẩm. Nghĩa là đối với mỗi dòng sản phẩm như khô dầu đậu tương, ngô… sẽ có những doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu, phân phối, nên họ có thể tăng giá bất kể lúc nào.

Theo TS. Bình, chúng ta hiện không có thông tin để làm rõ, giá thành TACN từ khi nhập cảng đến khi phân phối cho người chăn nuôi tăng gấp bao nhiêu lần, khiến thiếu minh bạch thông tin, xem doanh nghiệp nhập khẩu cụ thể lãi bao nhiêu để tính thuế giá trị gia tăng.

Còn ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết: “Sở dĩ giá TACN trong nước tăng là do, các doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm tới 65% thị phần TACN tại ViệtNam hiện nay và sắp tới sẽ còn nhiều nhà máy TACN nước ngoài được đầu tư xây dựng. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa có cơ quan nào điều hành, quản lý các doanh nghiệp này”. Việt Nam hiện có 245 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu TACN, trung bình, lượng nhập mỗi tháng từ 1,3-1,5 triệu tấn, riêng tập đoàn CP (một tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp) chiếm tới 18% thị phần. “Việc giảm giá TACN trong giai đoạn này là yếu tố sống còn đối với ngành chăn nuôi nước ta và phải giảm bằng được, bởi nếu giá cứ tăng cao, người chăn nuôi trong nước sẽ không thể duy trì được chăn nuôi, từ đó một làn sóng thực phẩm giá rẻ sẽ tràn vào nước ta”, TS. Bình nhận định.

Năm 2009, trước tình hình giá TACN leo thang, Chính phủ đã đưa mặt hàng này vào diện bình ổn. Song, vì chưa có hướng dẫn cụ thể, nên cả doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi không biết dựa vào đâu để thực hiện. Hơn nữa, danh sách những đơn vị có nhiệm vụ bình ổn giá chỉ có 10 doanh nghiệp, trong khi đó cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất TACN. Chỉ với 10 doanh nghiệp thì khó có thể giải quyết được vấn đề.

Tuy nhiên, một quốc gia đã hướng tới một ngành chăn nuôi lớn, hướng tới xuất khẩu thì không thể phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu TACN từ các nước. Trong khi, Việt Nam luôn được nhận định có điều kiện để hình thành các vùng nguyên liệu lớn cho chăn nuôi nhưng đến nay vẫn phải nhập khẩu quá nhiều, từ những nguyên liệu đơn giản như ngô, đậu tương, cám gạo. Sẽ không có tương lai cho một ngành chăn nuôi bền vững nếu như không có sự đầu tư về chiều sâu. Giải pháp bình ổn, mang tiền Nhà nước đi trợ giá chỉ là tạm thời.