Chẩn đúng mới có thuốc

ANTĐ - Phân tích, “mổ xẻ” tình hình kinh tế - xã hội trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra cả những mặt được lẫn chưa được, kiến nghị cần phân tích thấu đáo nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn như hiện nay cần một giải pháp đột phá mạnh mẽ, thực hiện quyết liệt giải pháp đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 02, trong đó giảm mặt bằng lãi suất phải thực hiện ráo riết hơn.

Một số đại biểu Quốc hội đánh giá sự vào cuộc khá nhanh và chủ động của Chính phủ. Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm hướng tới giải quyết khó khăn đưa nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2012.

Theo ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, sau 4 tháng triển khai, Nghị quyết 02 đã phát huy tác dụng thể hiện là kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối được cải thiện, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, mặt bằng lãi suất đang trong xu hướng giảm, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, dưới góc độ đại biểu các địa phương, không ít ý kiến cho rằng, trong điều hành vĩ mô, sự phối hợp giữa các bộ, ngành không ăn khớp, đánh giá về thực trạng kinh tế cũng chưa chuẩn.

Nhiều địa phương báo cáo GDP tăng cao, nhưng tổng hợp lại cả nước thì lại đạt thấp, cần xem lại con số thống kê. Đặc biệt, trong tình thế hiện nay, mong Chính phủ và Quốc hội quan tâm đến nợ xấu, cần phân tích cụ thể nợ xấu phát sinh từ đâu, doanh nghiệp nào, từ đó mới có giải pháp cụ thể. Quốc hội sẽ tập trung tìm giải pháp để cứu những doanh nghiệp đáng cứu, còn những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây thất thoát, tham nhũng thì không thể cứu được.

Phân tích yếu kém của nền kinh tế, có ý kiến cho rằng, khó đổ lỗi cho một bộ, ngành nào. Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận xét, ở đây có trách nhiệm rất lớn của Quốc hội. Trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển, có cả sự điều hành của Chính phủ và cả sự giám sát của Quốc hội. Vai trò của Quốc hội là giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, góp phần giảm vi phạm, yếu kém. Thời gian qua, Quốc hội cũng đã có giám sát, nhưng việc sửa chữa, khắc phục sau giám sát chưa được mạnh mẽ.

Để kéo dài những yếu kém như thế, chứng tỏ hiệu lực của công tác giám sát chưa mạnh, chưa đạt kết quả. Từ góc độ giới doanh nghiệp, một số đại biểu phát biểu, nợ xấu chưa được cải thiện thì dòng tín dụng vẫn bị ách tắc. Ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp lại không dám vay bởi vay cũng không biết làm gì cho có lãi. Vấn đề cốt lõi là, sức mua của nền kinh tế vẫn kém cho nên điều cần làm ngay là kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho, tạo niềm tin cho ngân hàng và thị trường.

Cũng như trong các kỳ họp Quốc hội trước, ý kiến của các đại biểu nhất trí cho rằng, phải phân tích rõ nguyên nhân, chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm cụ thể. Có như vậy mới có thể bàn luận và đưa ra giải pháp đột phá. Phải chẩn “bệnh” đúng thì mới có thuốc chữa.