Chậm giải ngân đầu tư công, do Trung ương hay địa phương?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Trách nhiệm trong chuyển nguồn vốn đầu tư công, địa phương đổ cho bộ chủ quản, bộ lại đổ cho địa phương, đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này", đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chiều 11-11.

Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công bị chậm, trách nhiệm và giải pháp khắc phục thời gian tới là chủ đề được rất nhiều đại biểu nêu ra, chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (trái) chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng về trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (trái) chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng về trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, vì vậy nguyên nhân chậm chủ yếu là do khâu thực hiện ở địa phương.

Giơ danh sách giải ngân vốn đầu tư công của 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết đến hết tháng 10-2021, có 30 tỉnh thành giải ngân dưới 60%, đồng thời bày tỏ muốn nói rõ vấn đề này "để xem vấn đề nằm ở đâu và trách nhiệm của ai".

Từ vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và cần phải đột phá ở đâu.

Dẫn số liệu năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp?

"Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị đề nghị các cấp, các ngành, các bộ phải làm rõ câu chuyện này.

Trả lời tranh luận của các đại biểu đề nghị làm rõ trách nghiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tái khẳng định nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện, và dẫn chứng: "Tại sao cùng một thể chế mà có địa phương đã giải ngân 100% vốn, thậm chí còn vượt số được giao, ứng tiền ra trước để làm, mà có tỉnh chỉ giải ngân được 18%?".

Một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.

"Bộ KH-ĐT cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả... Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới", ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, "nói chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội địa phương quá".

Theo ông Hòa, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định. Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý; bộ ngành trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp chỉ ra, việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập. Dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức thì đã kèm theo vốn. Theo ông, dự án chưa xong thì không thể giải ngân, nên đây là bất cập cần điều chỉnh.

Theo lịch làm việc, sáng 12-11, Quốc hội tiếp tục với phần chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Các Bộ trưởng, trưởng ngành và thành viên Chính phủ sẽ tham gia giải trình các vấn đề theo thẩm quyền, trách nhiệm liên quan.