Cha già đau đớn nghe tin 3 con trai giết người

ANTĐ - Ông đứng rất lâu ngoài hiên nhà, tay chống chiếc gậy gỗ, lẩy bẩy tựa vào tường như tìm kiếm một sự chở che, nâng đỡ mong manh. Ông đã quá đau lòng, đến mức không đủ sức tận mắt chứng kiến 3 người con trai đứng trước vành móng ngựa

Trong phiên tòa hôm ấy, tôi mải miết nhìn về phía sau, tìm kiếm một bóng hình quen thuộc. Là cha. Nhưng, đôi mắt mọng nước của tôi dõi khắp gian phòng đầy ắp người và người, vẫn không thấy cha đâu. Phía dưới, tiếng các con tôi gọi bố, tiếng khóc thổn thức của vợ và các chị dâu tôi hòa đan vào nhau. Cho tới sau này, trong một lần vào trại thăm tôi, vợ tôi sụt sịt kể, hôm tòa xử án phúc thẩm tôi và các anh trai, bố tôi đã đến, nhưng ông không vào bên trong phòng xét hỏi.

Ông đứng rất lâu ngoài hiên nhà, tay chống chiếc gậy gỗ, lẩy bẩy tựa vào tường như tìm kiếm một sự chở che, nâng đỡ mong manh. Ông đã quá đau lòng, đến mức không đủ sức tận mắt chứng kiến 3 người con trai đứng trước vành móng ngựa, cúi đầu nhận tội giết người của mình. Nghe vợ kể, lần đầu tiên, nước mắt của một gã đàn ông vốn cứng cỏi, ngang tàng rơi xuống..." - Trần Ngọc Huấn cất giọng nói trĩu buồn mở đầu câu chuyện.

Đứa con tội lỗi đi ngược lời cha dạy

Phàm là người cha, người mẹ, ai chẳng mong muốn được tận mắt chứng kiến con mình thành đạt, nên người. Nếu chúng không đủ tài năng để khẳng định mình trên bước đường đời, chí ít cũng sẽ phấn đấu là người có ích cho xã hội. Cả đời nuôi con, những tưởng được an hưởng tuổi già điền viên, sum vầy bên con cháu trong những năm tháng cuối chân dốc cuộc đời, nào ngờ, "món quà" mà Trần Ngọc Huấn và hai người anh trai của mình mang tới cho cha mẹ là nỗi buồn đau khôn xiết. Nhà có 4 người con trai, 3 người đi tù trong cùng một vụ án với cùng một tội danh: giết người. Chẳng còn gì đau xót hơn đối với bậc làm cha, làm mẹ!

Trong tâm khảm của Trần Ngọc Huấn, những lời dạy bảo của cha vẫn văng vẳng theo mỗi bước chân trong hành trình cuộc sống. Ông luôn dạy gã và các anh trai của mình: "Khi làm bất cứ việc gì, các con cũng phải bình tĩnh, kiên nhẫn, suy xét trước sau. Đừng vì lợi ích của mình mà làm tổn hại đến lợi ích người khác. Phàm là đàn ông, là đấng nam nhi trong đời, hãy sống khảng khái, dám làm dám nhận". Những tưởng, những lời dạy bảo của cha sẽ in đậm trong tâm trí của Huấn, nhưng trong một phút nóng giận, gã đã quên sạch lời cha dạy bằng việc tước đoạt một mạng người xuất phát từ mâu thuẫn vô cùng nhỏ nhặt.

Nhớ về buổi chiều định mệnh đó, Trần Ngọc Huấn chậm rãi buồn rầu kể lại: Đó là một ngày cuối tháng 4/2008, khi đang cặm cụi khoan, đục ở xưởng mộc cùng tốp thợ, Trần Ngọc Huấn nhận được tin tại nhà anh trai là Trần Ngọc Hoàn đang xảy ra xô xát. Tất cả xoay quanh việc anh Hoàn xây nhà và che mất cửa sổ của nhà Nguyễn Văn Tiến ở bên cạnh. Tiến đã dùng gậy đẩy đổ tường nhà Hoàn. Hai bên nổ ra cự cãi, Nguyễn Thành Dương, 24 tuổi, ở phố Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân bảo Tiến đi lái ô tô, còn bản thân ở lại giải quyết vụ cãi nhau. Hai bên nổ ra mâu thuẫn căng thẳng.

Cảm thấy không thể đối phó với Dương, Hoàn gọi điện cho em trai là Trần Ngọc Huấn đến "tương trợ". Nghe tin anh trai bị ức hiếp, Huấn mang theo con dao dài và kéo thêm vài người thợ ở xưởng mộc tới "nói chuyện" với Dương. Bị Hoàn và đội thợ dằn mặt, Dương ấm ức chịu đau, bỏ chạy thoát thân. Không dừng lại ở đó, buổi chiều, Dương và Tiến lại kéo quân trở lại nhà Hoàn để gây sự. Trong lúc xô xát, Huấn dùng dao chém vào tay Tiến và đâm một nhát vào ngực Dương, còn Trần Ngọc Hiếu (anh ruột của Huấn) dùng tuýp sắt đánh tới tấp làm Dương thiệt mạng tại chỗ.

Trần Ngọc Hiếu,Trần Ngọc Hoàn, Trần Ngọc Huấn trở thành kẻ tội đồ trong cuộc xích mích gây nên cái chết của Nguyễn Thành Dương. Nhận được tin 3 cậu con trai giết người, bố mẹ Huấn chỉ biết khóc. Mẹ Huấn nói trong nước mắt: "Cùng là con người, sao các con nỡ ra tay giết hại đồng loại của mình? Có chuyện gì, dù căng thẳng, xích mích lớn lao đến mấy cũng có thể từ từ tìm cách giải quyết. Các con có lớn mà chẳng có khôn". Nhìn gương mặt già nua, đôi mắt đau khổ của mẹ, 3 anh em Huấn chỉ biết khóc.

Những đứa con bất hiếu không kịp nói lời tạ tội với cha

Theo như lời Huấn kể, phiên tòa xét hỏi hôm ấy chật kín người. Gia đình nhà Huấn, gia đình nhà anh cả, anh hai cũng đều có mặt đầy đủ. Họ đều mang gương mặt giống nhau: lo âu, thảng thốt và sợ hãi. Nhìn vợ và các chị dâu đôi mắt đỏ hoe, sưng húp, đoán biết họ đã phải khóc rất nhiều, Huấn và 2 người anh nhìn nhau ngậm ngùi, bất lực, không biết phải nói gì.

Mẹ của Huấn cũng xuất hiện ở phiên tòa. Bà phải đứng tựa vào vai người cháu ở bên cạnh, bởi sức vóc của một người già đi gần trọn kiếp người không thể nào chống chịu nổi cú sốc quá lớn này. 3 đứa con bà rứt ruột sinh ra đang xếp hàng trước vành móng ngựa, chẳng có gì diễn tả nổi nỗi đau đớn của người mẹ. Nhưng, còn một con người khác, không đủ sức chứng kiến những gì diễn ra ở phiên tòa, ông nép mình bên cánh cửa, thi thoảng đưa tay gạt vội dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má già nua, xô lệch bởi những nếp nhăn chồng chéo.

Cuối cùng, TAND thành phố Hải Phòng tuyên phạt Trần Ngọc Huấn 20 năm tù giam, Trần Ngọc Hoàn 18 năm tù giam và Trần Ngọc Hiếu 13 năm tù giam với tội danh giết người. "Toà tuyên án xong, tôi lặng người đi, không đủ sức nghĩ tới bất cứ chuyện gì. Mọi thứ xung quanh hỗn mang, đặc quánh. Tiếng gọi bố của các con tôi, tiếng gọi chồng thổn thức của vợ và các chị dâu. Cảm giác choáng ngợp lan tỏa khiến tôi ngạt thở, đi theo cán bộ cảnh sát dẫn giải ra chiếc xe chở phạm, tôi như một kẻ vô thức mù mờ trong đêm tối. Dọc đường lên xe bít bùng, giữa những thanh âm ôn ào xung quanh, tôi thấy cha vẫn đứng ở trên hiên nhà, đau đáu nhìn theo 3 núm ruột rời bỏ khỏi ông".

Từ ngày đi cải tạo, tháng nào vợ con Huấn và gia đình các chị dâu cũng lên thăm và gửi đồ tiếp tế cho 3 anh em. "Mẹ, vợ và các con lên thăm chúng tôi, nhưng chưa lần nào cha tôi tới. Chúng tôi hiểu rằng, những đứa con nghịch tử này đã nhẫn tâm hủy hoại toàn bộ niềm tin ông giao tặng. Cha tôi quá đau lòng để tới trại giam, thăm những đứa con tội lỗi. Ông giận anh em tôi bao nhiêu, càng nghiêm khắc với chúng tôi bấy nhiêu. Sự lạnh lùng ấy giống như một sự trừng phạt. Tôi chẳng bao giờ hi vọng ông tha thứ, bởi chúng tôi đã mang tới cho cha nỗi đau và sự thất vọng quá lớn lao.

Ảnh minh họa 

Cho tới một ngày, cán bộ quản giáo báo tin tôi có người nhà tới thăm. Trong thâm tâm, tôi trộm nghĩ có lẽ vẫn như thường lệ là vợ con mang đồ tiếp tế tới, nhưng khi nhìn thấy cha tôi run run ngồi ở bên kia tấm kính trắng ở phòng thăm thân, tôi bủn rủn chân tay, nghĩ mình đang bị ảo giác đánh lừa. Tôi cắn chặt đôi môi, cảm giác được cái đau rất rõ rệt. Vậy đây không phải là một giấc mơ. Ngồi đối diện cha tôi, ông già và gầy đi nhiều quá. Nước mắt của đứa con "rách giời" phụ lòng cha đua nhau rơi xuống. Chúng tôi không nói chuyện được lâu bởi thời gian thăm gặp trôi đi rất nhanh.

Trước khi ra về, ông nói với tôi một câu duy nhất, có lẽ sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời: "Con đã sai và con phải chịu trách nhiệm cho tội lỗi của mình. Bây giờ con có thể khóc, nhưng hãy nhớ, có thể khóc phút đầu tiên nhưng hãy mỉm cười những giây cuối cùng trong ngày trở về". Đó là lần gặp đầu tiên kể từ ngày tôi đi tù, và sau ấy, tôi vĩnh viễn không còn cơ hội gặp lại cha nữa".

Những lần sau, vợ và các chị tôi lên thăm 3 anh em tôi, tôi thấy họ buồn phiền che giấu một điều gì đó. Gặng hỏi mãi, vợ tôi vừa khóc vừa báo tin cha tôi đã qua đời.

Đó là một đám tang buồn nhất. 3 người con trai đi tù không thể có mặt túc trực bên linh cữu, chỉ còn lại một người con trai xoay xỏa đủ đường lo hậu sự cho cha. Nói tới đây, đôi mắt Huấn hoe đỏ. Sau cú sốc 3 anh em Huấn gây nên, một người kiên cường, lạc quan như cha cũng khó lòng có thể bình tâm được. Ông suy sụp rất nhiều. Trái hẳn sự vui vẻ, cởi mở thường ngày, ông quanh quẩn ở nhà, ít giao lưu với những người bạn già như trước.

Dù chẳng bao giờ ông nói ra đâu, nhưng cả Huấn và 2 người anh trai đều hiểu nỗi đau họ gây ra cho cha mình là quá lớn và quá sức chịu đựng của ông. Bệnh tật ủ sẵn trong người, cùng với trạng thái kiệt quệ về tinh thần giống như một cú vật trời giáng, đánh gục mọi sự gắng gượng của ông. Huấn rầu rĩ: "Trong sự ra đi đột ngột của cha tôi, lỗi lớn thuộc về tôi và 2 anh. Chúng tôi không trọn đạo làm con, chưa mang lại cho cha mẹ một ngày hạnh phúc lại khiến họ phải chứng kiến cảnh tù tội ở tuổi xế chiều".

Sau ngày nghe tin cha mất ấy, thi thoảng 3 anh em được chạm mặt nhau trên đường ra khu lao động, thường không kịp nói với nhau câu gì, ngoài ánh mắt ngậm ngùi, hối hận gửi vội. "Trong mỗi lần gặp mặt, ánh mắt của chúng tôi ngầm động viên nhau cố gắng cải tạo, sớm có ngày trở về để quỳ xuống mộ cha, thắp nén hương tạ tội đối với người cha quá cố".

Khao khát được trở về, được đốt nén hương trầm gục khóc bên mộ cha cháy bỏng trong đôi mắt phạm nhân Trần Ngọc Huấn. "Nghĩ ngày trở về, cất tiếng gọi hai tiếng "cha ơi", đáp lại là tiếng gió, tiếng lá cây và một khoảng trời trống trải, tôi đã thoáng rùng mình. Đến giờ tôi mới thấy thấm thìa, khi mất đi thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong đời, tôi mới biết nó quý giá biết nhường nào. Hai tiếng "xin lỗi", tôi không bao giờ có cơ hội được bày tỏ với cha" - giọng gã thì thào rất khẽ, sũng buồn.