Huyền tích Tây Hồ (4):

Cây bồ đề có một không hai mọc từ trên… giời xuống đất.

ANTĐ - Cây buông rễ từ không trung, rồi sinh trưởng trong luồng khí trời đất. Sự kỳ diệu nào đã làm cho loài cây có sức sống mãnh liệt đến thế!?

Chuyện thật về cây bồ đề “nuốt” cổng tam quan

Đã là cây thì thường mọc lên từ đất, đó là quy luật tự nhiên. Ấy vậy mà ở trong thực tại, thế giới về loài cây lại có những điều kỳ diệu, nó kỳ diệu đến mức làm cho người ta thật khó tin nổi về sức sống của loài đang từng ngày sống bằng những hạt sương đêm và luồng gió trời.

Tây Hồ địa danh hội tụ chốn tâm linh ở phía Tây Hà Nội

Khi tìm hiểu về huyền tích hồ Tây, nhà sư Thích Đàm Chung trụ trì chùa Tĩnh Lâu, nằm bên làng Hồ, thuộc phường Bưởi, cho biết: “Ở quanh hồ Tây có rất nhiều công trình tâm linh tọa lạc. Những giá trị về văn hóa lịch sử này có giá trị riêng đối với hồ Tây và hơn nữa còn làm cho hồ Tây là điểm du lịch tâm linh được du khách thường tìm đến. Lượng khách đếm tham quan chùa Tĩnh Lâu thì nhiều nhưng rất ít ai biết được tam quan của ngôi chùa này giá trị đặc biệt. Cây bồ đề mọc từ trên giời xuống…”

Chuyện này thật sao, thưa sư thầy? “Thì đấy anh cứ ra xem đi, nó nằm bên cổng tam quan của chùa. Cây to đường kính chừng 4 người lớn ôm, tý nữa anh ra nhìn sẽ biết rõ hơn...”. Nghe sư thầy nói về những điều diệu kỳ trong ngôi chùa tọa lạc bên mênh mang sóng nước tây Hồ, tôi càng tin hơn về những huyền tích ghi được từ những người già, trong sử sách lưu mà trước đó đã kể một phần về sự thật ở phía Tây Hà Nội ngày nay.

Bước qua không gian tĩnh kính của hành lang chùa Tĩnh Lâu, sẽ được chiêm ngưỡng những cột đá tạc hoa văn rồng phượng, hoa, lá đến tinh xảo. Rêu phong phủ trên từng viên ngói, từng gốc hoa mộc xù xì tỏa ngát hương như muốn nói lên những đặc biệt riêng ở đây. Chân bước từ phía trong sân chùa ra cổng, ngước mắt lên trời cao, điều đầu tiên ta sẽ nhìn thấy ánh mặt trời xuyên qua tán lá bồ đề khúc xạ ánh mặt trời thật kỳ ảo. Đó là tán cây bồ đề cổ thụ được mọc từ trên không trung xuống.  Lá xanh mát, bóng nhẵn vì thời gian, mưa, gió… đã gột sạch làm cho chất diệp lục của cây thêm mơm mởn.

Giờ cây đã ôm hết cổng tam quan cổ xưa của ngôi chùa trong lòng thân cây. Thân cây vạm vỡ, từng thớ bạnh tầng tầng lớp lớp như muốn vượt ra thành đá quây kỹ lưỡng quanh gốc. Cổng tam quan mới đã dựng lên tại phía bên trong gốc cây này. Cây bồ đề giờ nằm ngoài, ôm một phần đường kè ven hồ Tây, dễ nhìn nhưng người đi đường thì chỉ biết đó là cây bồ đề của chùa Tĩnh Lâu chứ không mấy ai biết xuất thân của cây này có gì đặc biệt.

Cây bồ đề đặc biệt, mọc từ trên... không trung xuống giờ đã "ôm" trọn tam quan bề thế trong lòng

Tôi nhìn mãi, những dải rễ màu đồng đỏ buông quện như mái tóc thướt tha của cô gái xưa được bàn tay khéo léo đan lại. Những khóm dễ ấy mới chỉ nhìn đã thấy được phần nào sức sống của loài cây này. Một loài mang ý nghĩa cao quí liên quan đến Đức Phật, nó mang trong mình những giá trị của Phật giáo về sức sống, về môi trường sống và đức tính thanh tịnh của nó.

Ở nhiều nơi, cây bồ đề thường do bàn tay nhà tu hành hay phật tử muôn phương cung kính trồng ở đâu đó trong chùa. Còn cây bồ đề ở chùa Tĩnh Lâu do một cơn gió hay loài chim muông đưa giống về. Không ai biết khoảng thời gian của cây bồ đề này, nhưng từ khi hồ Tây vẫn còn là đầm hoang thì ngôi chùa này đã tọa lạc. Từ khi cổng tam quan cũ xưa của chùa xuất hiện thì đã có cây bồ đề buông rễ bên mái cong đón khí trời thanh tịnh để sinh trưởng. Nhìn mái tam quan nằm gọn trong lòng cây bồ đề, hở ra một phần cổng mái gạch cũ cổ xưa, ta có thể ước tính được thời gian khoảng trăm năm có thừa...

Ba nữ danh sỹ và bí ẩn chốn mênh mang sóng nước tây Hồ

Không phải vì cảnh mây, cảnh hữu tình, không phải chốn bồng lai mang lại xúc cảm thi ca thì sao những nữ sỹ đa tài, giỏi thi ca, uyên bác chữ nghĩa lại chọn là chốn lập cổ nguyệt đường để hội tụ tao nhân mặc khách. Ba nữ thi sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử là Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương đều sinh trưởng ở vùng này. Đoàn Thị Điểm là dâu làng Phú Xá, Hồ Xuân Hương sinh sống ở phường Khán Xuân mạn nam Hồ Tây và Bà Huyện Thanh Quan sống ở làng Nghi Tàm.

Mênh mang sóng nước hồ Tây đã làm cho cuộc tìm kiếm nữ sỹ Hồ Xuân Hương thêm trắc trở

Giờ vẫn còn đó, sức sống vượt qua không gian và thời gian của những nữ danh sỹ đa tài. Bên góc hồ Tây, những nhà nghiên cứu xưa đã xác định mộ chí của Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan được đặt tại nghĩa địa Đồng Táo, ở gần chùa Kim Liên ngày nay. Cuộc vận động tạo sơn, thời gian sóng nước hồ Tây đã làm mất đi mộ chí của nữ sỹ lững danh Hồ Xuân Hương. Đã có nhiều cuộc khảo sát, đi tìm mộ của nữ danh sỹ này nhưng còn gặp nhiều trắc trở, thế nên cuộc tìm kiếm đang còn dang dở.
“…Chớ chèo qua mộ Xuân Hương; Suối vàng còn bận tơ vương lỡ làng…”. Cuộc vận động của trời đất và con người đã làm cho hồ Tây vận động biến đổi về diện tích khá nhiều. Người biết được rằng ngôi mộ của nữ danh sỹ tài ba đã bị sóng nước Tây Hồ đưa về làn nước mênh mông đã thương xót nhắc nhở người sau bằng những vần thơ ai oán.
“Giờ thì “nàng” vẫn nằm dưới đó, tôi đã được cùng đi với đoàn tìm kiếm mộ của bà ở hồ Tây 2 lần, nhưng mới chỉ xác định mà chưa khai quật được….”- Ông Vũ Văn Luân Trưởng Ban quản lý di tích đình chùa làng Hồ, cho hay.

Trẻ em làng Nghi Tàm, Quảng Bá thường tìm đến hồ Tây mỗi chiều hè

Ông Luân cho biết, cuộc tìm kiếm mộ bà Hồ Xuân Hương có người thân của dòng họ bà và Trung tâm ngoại cảm tìm mộ từ xa của Liên hiệp khoa học UIA. Nhà ngoại cảm nói rằng, ngày xưa hồ Tây hẹp, bên cạnh hồ Tây có nghĩa địa Đồng Táo, mộ bà nằm bên hồ Tây ở nghĩa địa Đồng Táo. Trong nghĩa địa này có một miếu thờ Hồ Xuân Hương. Khi lũ lụt do vỡ đê, hồ Tây được mở rộng ra như bây giờ khiến cho nghĩa địa Đồng Táo và mộ Hồ Xuân Hương đã nằm sâu dưới nước.

“Tôi thấy lạ trong những lần tìm kiếm đều gặp khó khăn lắm. Nhất là từ khi có một thành viên thốt ra rằng thuê người nhái lặn xuống tìm là thấy ngay. Từ câu nói ấy dường như có điều “phạm” nên bị gặp trắc trở. Xuồng cứ đến gần vị trí định vị lại bị sóng xô ra, gió thốc mạnh hơn mỗi lúc ở giữa trưa hè nắng... Cứ đi ra vào, lóng ngóng làm đi làm lại từ suốt một ngày vẫn không vào được nơi cần vào. Cuối vùng họ đành… đợi chờ”- Ông Vũ Văn Luân khẳng định.

Đón đọc bài 5: Hút cạn hồ Tây thay nước… bí ẩn sẽ hé lộ? Và câu chuyện ly kỳ có thật, sóng nổi giữa trưa hè nắng chói trang trên mặt nước hồ Tây.