Cầu yếu, chưa kích trúng

ANTĐ - Cuộc hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm” đã rút ra đánh giá tổng quan. Cầu giảm là nhân tố chủ lực khiến lạm phát tăng chậm hơn dự báo trong 6 tháng đầu năm. Sức mua trên thị trường khá “èo uột”, tồn hàng hóa trong kho chất đống, trong khi một số giải pháp kích cầu chưa đúng nơi đúng chỗ, cho dù giá xăng dầu giảm 3 lần, điều chỉnh tăng lương, song dường như có tác dụng rất ít đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Điều đáng quan tâm, góp phần kìm lạm phát tăng chậm lại chính là những giải pháp ngắn hạn, trong khi thiếu vắng chiến lược ổn định kinh tế trung và dài hạn. Nhận diện tổng quát, khi giá đầu vào như nguyên vật liệu cho sản xuất, giá cước vận tải tăng cao hơn giá đầu ra, chính là yếu tố quan trọng gây khó khăn, bất lợi cho sản xuất. Không chỉ khiến cho lợi nhuận giảm, kéo theo phần lợi nhuận cho tích lũy tái đầu tư giảm theo, mà còn ăn vào vốn, lãi vay chồng lên nợ vốn, nợ xấu tăng lên tới 10% tổng dư nợ tín dụng.

Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 22.230 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 21.678 doanh nghiệp nghỉ kinh doanh. Hàng chục nghìn người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm. Nhìn vào “rổ hàng hóa” nhập khẩu có thể “nhặt” ra cả mớ hàng tăng giá như giá gas, xăng, dầu, phân bón từ 6,04% tới 14,2%. Đó là chưa kể tốc độ tăng giá cước vận tải đường sắt, hàng không, đường bộ tăng mạnh, tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là giá nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng cao hơn tốc độ tăng giá bán sản phẩm khiến cho người sản xuất “thiệt đơn, thiệt kép”.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong các nhân tố làm hạn chế mức tăng giá, cầu yếu đóng vai trò quan trọng nhất. Giá cả các mặt hàng thiết yếu có tỷ trọng lớn trong “rổ hàng” tính CPI đã biến động theo chiều hướng giảm, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cầu giảm là vấn đề “nặng cân” nhất hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy, 80% người tiêu dùng đến siêu thị là để mua lương thực, thực phẩm, doanh số bán lẻ của các siêu thị giảm từ 10-20%, với số lượt mua hàng giảm và giá trị của giỏ hàng cũng giảm. “Rổ hàng hóa” tính CPI được Tổng cục Thống kê thực hiện vẫn chưa bao trùm cuộc sống hàng ngày của người dân. Mức độ suy giảm tổng cầu và mức trượt giá thực tế lớn hơn những con số thống kê.

Đáng lo ngại là tổng cầu trong 6 tháng đầu năm đã giảm rất mạnh và sẽ còn tiếp tục “tuột dốc” trong năm 2013. Cần phải xem lại cách làm chương trình bình ổn giá hiện nay. Một số chuyên gia không ngần ngại nói thẳng rằng, bình ổn giá trong khâu bán lẻ thực ra là bình ổn “ngọn”, gần như bị lợi ích nhóm chi phối. Ngay cả khi bình ổn giá từ “ngọn” cũng cần đấu giá để lựa chọn những doanh nghiệp, công ty có khả năng cung ứng hàng với giá phải chăng, chứ không phải để tranh thủ “xả” hàng hoặc “độn” hàng kém chất lượng, hàng ngoại.

Cầu yếu, kích thì chưa trúng đối tượng và chưa hợp lý, là nhận định khái quát tình hình giá cả, thị trường 6 tháng đầu năm nay. Nửa năm còn lại, sức mua có tăng lên, thị trường có sôi động hay không, một phần lớn tùy thuộc vào “bàn tay” kích cầu mạnh và trúng.