Nửa cầu Long Biên (thuộc quận Long Biên) thông thoáng
Mưu sinh trên cầu
Sáng 26-11, lên cầu Long Biên theo lối đường Trần Nhật Duật, chúng tôi đã gặp mấy hàng bánh mỳ ở khúc cua lên mặt cầu. Đi thêm hơn 20 mét nữa, vẫn thuộc nửa bên này của cầu, biểu hiện của chợ “cóc” rõ rệt hơn, có đến 4, 5 người - chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ngồi bán ngô và các loại rau xanh. Thậm chí, những người này còn chăng nilon - buộc dây vào thành cầu để che nắng. Cảnh chợ “cóc” trông rất bình yên, nhưng nó lại ảnh hưởng đáng kể đối với người tham gia giao thông, cho dù cầu Long Biên chỉ dành cho xe đạp, xe máy và phân 2 chiều rõ rệt. Đoạn cuối cầu Long Biên thuộc địa bàn quận Long Biên, chúng tôi gặp một tổ công tác công an và tự quản đô thị ứng trực. Trung tá Nguyễn Tuấn Quang - Phó Trưởng CAP Ngọc Thụy đang có mặt tại đây cho biết, đang cùng lực lượng chức năng phường xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và không để hàng rong bán trên cầu.
Tối cùng ngày, trở lại cầu Long Biên vẫn theo đường cũ, chúng tôi lại thấy cảnh “họp chợ” ở những vị trí như buổi sáng, chỉ khác về chủng loại hàng hóa. Có khá đông bạn trẻ dựng xe máy, hóng gió trên cầu. Để ý mặt hàng bày bán trong các hàng quán, nhận thấy có rượu, hạt hướng dương, thịt bò khô… đủ cho nhóm bạn ngồi cà kê hết đêm trên cầu. Dừng chân vào một trong số các quán này, chị chủ quán thản nhiên: “chợ “cóc” mà, bị đuổi thì chạy. Không đuổi lại họp”.
Nửa còn lại, là chợ “cóc”
Chưa đồng bộ
Chợ “cóc” họp trên cầu Long Biên là thật. Việc xóa chợ là cần thiết, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực tế cho thấy, không quá khó để làm được điều này. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các địa bàn, cơ quan chức năng liên quan đến công tác quản lý ANTT trên cầu lại chưa quyết liệt, chưa đồng bộ. Cầu Long Biên, ngoài sự quản lý của Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải, còn thuộc địa giới hành chính của 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Long Biên. Chính yếu tố giáp ranh này dẫn đến tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, thiếu sự phối hợp giữa các địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết, trung tuần tháng 11, “phía” quận Long Biên đã tiến hành rà soát, lập danh sách số người bán hàng trên cầu để hướng dẫn, ký cam kết yêu cầu không lên cầu bán hàng. Cùng với biện pháp tuyên truyền, lực lượng chức năng quận Long Biên đã lập 6 tổ công tác cắm chốt, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, gắn với việc duy trì trật tự giao thông. “Chúng tôi xác định đây đang là “điểm đen” về trật tự đô thị và sẽ quyết liệt để từng bước giảm dần, giải quyết triệt để phức tạp trên cầu” - ông Tuấn quả quyết.
Sự vào cuộc từ “phía” quận Long Biên bước đầu đã lập lại được trật tự ở nửa phía bên này cầu. Song, kết quả ấy sẽ khó triệt để, nếu những tồn tại vẫn hiện hữu ở nửa còn lại của cầu, phía địa bàn Ba Đình và Hoàn Kiếm. Đúng là hoạt động của chợ “cóc” trên cầu Long Biên hiện mới manh nha hình thành. Nhưng để quá lâu, nó ắt trở nên phức tạp. Sự phức tạp ấy có phần nguyên nhân “lỗi” thiếu phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các địa bàn, cơ quan chức năng.