Đây là nơi bảo tồn đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều loại động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Xuân Thủy là một trong những vườn quốc gia của Việt Nam tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước).
Giao Thủy là nơi cửa biển đón dòng nước sông Hồng đổ ra biển để tạc nên bức tranh thủy mặc rừng và biển Ramsar. Biển Giao Thủy là nơi duy nhất có rừng ngập nước đẹp và phong phú về loài, đặc biệt là cua biển và cò trắng. Chiều đến, cò sải cánh như đổ mây nhuộm trắng góc biển. Ai cũng biết vùng biển này thật đẹp, thiên nhiên thật phóng khoáng và được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển ven biển châu thổ sông Hồng. Thế nhưng, để tận hưởng cảnh mây trời, sóng, bạn phải đi thuyền khoảng nửa tiếng đồng hồ, đến được đài quan sát xây trên nền đất cao phóng tầm mắt bao quát cả khu rừng ngập mặn. Xung quanh, rừng phi lao xanh biếc đứng hiên ngang đương đầu với sóng gió. Dưới mặt đất, bạn không khỏi ngạc nhiên bởi chằng chịt rau muống biển khoe màu tím biếc.
Để có chuyến du ngoạn rừng ngập nước, du khách phải chuẩn bị thật kỹ. Liên hệ với Ban quản lý khu bảo tồn trước khi đến, còn không phải có người thân quen để nhờ giúp đỡ. Là khu rừng ngập nước, nên việc đi lại buộc phải dùng thuyền, và phải là người am hiểu nếu không ta sẽ ở trong mê cung, vào rồi không biết lối ra. Cua biển ở đây to và ngon. Du khách có thể ngồi trên thuyền tự mình câu cua để thưởng thức, còn các loài khác tuyệt nhiên không được đánh bắt, hủy hoại. Cua ở đây khá to, chỉ 2 đến 3 con đã đủ một kilogam.
Thật ra, cái thú không phải là việc thưởng thức cua, mà cảm nhận cuộc sống nhẹ nhàng. Không phải ai câu cua cũng câu được nhiều, và mặc dù cua nhiều nhưng không phải cần nào thả mồi cũng được. Câu cua cần sự khéo léo, kiên nhẫn của người cầm cần. Bí quyết câu cua thật đơn giản, cua không bao giờ đớp mồi từ miệng mà dùng càng cắp mồi rồi mới ăn. Vì thế, ai tính tình nóng vội câu cua thường thất bại, giật mạnh càng sẽ không kẹp mà buông mồi, hụt câu.